
Nguyễn Văn Chung - một trong những nhạc sĩ có nhiều bản hit đình đám nhất Việt Nam
Trong bài viết của mình, nam nhạc sĩ đăng tải hình ảnh cho thấy nhóm sinh viên này đã chủ động liên hệ xin phép sử dụng ca khúc. Điều đáng khen ngợi là họ cũng cam kết tuân thủ các yêu cầu về tác quyền, thể hiện sự tôn trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ của tác giả.

Nhóm sinh viên chủ động liên hệ nhạc sĩ để xin phép sử dụng ca khúc Nhật ký của mẹ trong dự án tốt nghiệp
Bên cạnh những cơn mưa lời khen dành cho ý thức tuyệt vời cũng như thái độ tôn trọng quyền tác giả đáng khen của nhóm sinh viên thì cũng có rất nhiều người thắc mắc mức phí tác quyền 100 nghìn đồng mà Nguyễn Văn Chung đưa ra. Một số bình luận gây tranh cãi dưới bài đăng của nhạc sĩ: "Thu tác quyền 100k để làm gì?" hay "100k có đáng gì đâu?".

Cách xử lý gây tranh cãi về phí tác quyền 100 nghìn đồng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Trước những thắc mắc về mức phí 100 nghìn đồng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã thẳng thắn chia sẻ: "Mình luôn ủng hộ Thầy cô, các bạn học sinh, sinh viên và các trường khi dùng những bài hát của mình để giảng dạy, biểu diễn mà không hề thu phí, kể cả các bài hát thiếu nhi hay gia đình. Trong trường hợp này, các bạn sinh viên làm dự án tốt nghiệp - 1 chương trình nghệ thuật có bán vé - và mình muốn cho các em học được 1 điều: Khi kinh doanh nghệ thuật thì phải tôn trọng chất xám và công sức của các tác giả hay nhân sự liên quan".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung rất nghiêm túc và kiên định trong vấn đề bản quyền âm nhạc
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từ lâu đã được biết đến là một người rất nghiêm túc và kiên định trong vấn đề bản quyền âm nhạc. Anh luôn lên tiếng về việc bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, đồng thời không ngừng đấu tranh để nâng cao ý thức tôn trọng tác quyền trong cộng đồng.
Với nhạc sĩ, tác quyền không phải là chuyện nhỏ. Anh từng nhiều lần lên tiếng về tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc, từ việc ca khúc bị sử dụng trái phép cho đến những vấn đề liên quan đến quyền lợi của các nhạc sĩ. Việc thu 100 nghìn đồng không phải vì lợi nhuận, mà là một cách để giáo dục về tư duy chuyên nghiệp và sự tôn trọng tác phẩm nghệ thuật.

Đây không phải lần đầu nam nhạc sĩ lên tiếng về vấn đề tác quyền
Nhạc sĩ đặc biệt nhấn mạnh, trong ngành công nghiệp âm nhạc, việc sử dụng tác phẩm của người khác luôn cần có sự xin phép và trả phí bản quyền hợp lý: "Các em phải học được cách cân đối chi tiêu giữa chi phí bán vé và chi phí sản xuất. Các em phải có được suy nghĩ là 'À mình dùng những tác phẩm này là phải XIN PHÉP và TRẢ TÁC QUYỀN', đó là những suy nghĩ văn minh và tử tế mà các nhà tổ chức, các nhà sản xuất chương trình nên có! Đó cũng là cách mà mình bảo vệ nguyên tắc làm việc của bản thân. Thu tác quyền dù chỉ là tượng trưng 100k nhưng phải có. Đó là sự hỗ trợ và 1 bài học thực tế mà mình có thể dành cho các em!".
Nhạc sĩ cũng khẳng định, con số 100 nghìn đồng chỉ mang tính tượng trưng, nhưng nó là một bài học thực tế về đạo đức nghề nghiệp mà các bạn sinh viên cần hiểu. Bài đăng của anh nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ nhiều người trong ngành nghệ thuật. Nhiều khán giả bày tỏ sự đồng tình với cách xử lý tinh tế của nhạc sĩ, cho rằng đây là cách giáo dục cần thiết để nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ.
Thanh Hằng