Sự kiện do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức, với sự tham gia của 30 đại biểu, đại diện đến từ Tổ chức Quản lý Tập thể quyền (CMO) các nước: Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và các Tổ chức Quản lý tập thể quyền đến từ các vùng lãnh thổ Đài Loan, Macao, Hongkong (Trung Quốc).

Hội nghị quốc tế chia sẻ các giải pháp bảo vệ tác quyền trong bối cảnh công nghệ
Tại hội nghị, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã đưa ra những bài thuyết trình quan trọng về đối sánh dữ liệu kỹ thuật số; xử lý và phân phối báo cáo sử dụng kỹ thuật số; công cụ quản lý quyền của Facebook, Youtube, CMS…
Ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, hội nghị được tổ chức với mục đích đưa hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Việt Nam tiếp cận nhanh chóng, bắt kịp với xu hướng phát triển chung của khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để các CMO quốc tế hiểu hơn về hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói riêng, lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung trong sự phát triển toàn cầu.

Ông Hoàng Văn Bình - Phó tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát biểu
Các chuyên gia quốc tế cũng giới thiệu công nghệ nhận diện âm thanh giúp phát hiện vi phạm bản quyền, đồng thời đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu chung toàn khu vực nhằm minh bạch hóa việc xác minh bản quyền và cấp phép.
Phát biểu tại hội nghị, ông ZHANG Jing - đại diện Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC) cho biết: “Vai trò của CMO đối với nền công nghiệp âm nhạc rất quan trọng. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc cấp phép và phân phối, cũng như các hoạt động liên quan đến quyền tác giả và các nhạc sỹ của Việt Nam. Cộng đồng âm nhạc đã hưởng lợi từ hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói riêng và hoạt động bản quyền nói chung".

Ông ZHANG Jing - đại diện từ Liên minh Quốc tế các tổ chức bảo vệ Quyền tác giả và Quyền nhà soạn nhạc (CISAC)
Bà Yenny Tsai - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của CISAC đánh giá: "Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát triển rất mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là sự kết nối, hòa nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế. Điều này có lợi cho các tác giả sáng tạo. Và việc tổ chức những hội nghị trao đổi như thế này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để các CMO ở các nước có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong lĩnh vực bản quyền kỹ thuật số, góp phần tăng doanh thu và nâng cao công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nói riêng".

Bà Yenny Tsai - Phó chủ tịch Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương của CISAC
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, đại diện các Tổ chức Quản lý tập thể quyền quốc tế cũng đã thẳng thắn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình và đưa ra những ý kiến nhằm làm rõ các vấn đề trong lĩnh vực xử lý dữ liệu và công nghệ thông tin, bao gồm: Đối soát báo cáo sử dụng từ người dùng; loại trừ hiệu quả các tác phẩm độc quyền trong quá trình đối soát, nhằm bảo đảm quá trình xác nhận quyền tác phẩm trên môi trường kỹ thuật số được thực hiện chính xác, minh bạch…
Thanh Hằng