Từ những trăn trở đời thường đến ý tưởng đột phá
Điều đặc biệt là nguồn cảm hứng cho những sáng chế này thường xuất phát từ những quan sát, trăn trở rất đời thường trong cuộc sống hàng ngày. Tiêu biểu như Hệ thống phân loại rác bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của Nguyễn Thành Vinh và Trần Khải Tuấn hiện là học sinh lớp 8 trường Nguyễn Siêu, Hà Nội. Hai nam sinh đã dùng 20.000 bức ảnh chụp rác thải để huấn huyện AI cách phân loại, ra kết quả chính xác trong vài giây.
Khi rác được đưa vào dây chuyền, cảm biến phía trên sẽ phát hiện và chụp ảnh, gửi tới mô hình AI được gắn trong bảng mạch. Công cụ này nhanh chóng phân loại chúng vào một trong các nhóm: giấy và bìa carton, thủy tinh, kim loại, nhựa và rác khác. Từ đó, thanh gạt trên băng chuyền tự động gạt rác vào thùng tương ứng.
Thời gian từ lúc cảm biến nhận tín hiệu, AI phân tích và phân loại rác chỉ trong khoảng 1-2 giây.

Hai nam sinh Nguyễn Thành Vinh và Trần Khải Tuấn trưng bày sản phẩm tại Ngày hội STEAM của trường Nguyễn Siêu. Ảnh: VnExpress
Được biết, Thành Vinh có ý tưởng về một hệ thống phân loại rác từ gần một năm trước, khi thấy việc này chưa thực sự được chú trọng trong đời sống hàng ngày. Vinh rủ Tuấn, bắt tay vào tìm hiểu vào mùa hè năm ngoái.
Sau khi tham khảo các sản phẩm đã có, hai nam sinh thấy rằng có thể dùng AI để cải thiện hiệu suất, tạo ra sự khác biệt.
"Bọn em dùng AI vì đây là xu hướng công nghệ, đồng thời AI sẽ giúp hệ thống vận hành nhanh, tự động", Tuấn cho hay.
Năm 2024, hai học sinh lớp 9, Đặng Kỳ Anh và Nguyễn Minh Hoàng, trường THCS Phan Lưu Thanh cũng đã chế tạo thiết bị giúp người bị tai biến điều khiển thiết bị điện, gửi tin nhắn... với chi phí 8 triệu đồng.

Kỳ Anh (bên phải) và Minh Hoàng giới thiệu thiết bị hỗ trợ người tai biến tại một cuộc thi tin học ở địa phương. Ảnh VnExpress
Chiếc máy sử dụng công nghệ AI, thông qua cử chỉ tay, giọng nói, chuyển động mắt, người bệnh có thể điều khiển các thiết bị điện trong nhà; gửi tin nhắn đến các thiết bị thông minh để liên lạc với người thân. AI cũng theo dõi biểu hiện tâm trạng và tự động cung cấp các phương tiện giải trí; nhận diện giọng nói và ngôn ngữ tự nhiên để tăng cường khả năng tương tác giữa người bệnh và thiết bị...
Ngoài ra, từ thông tin thời gian và số lần thực hiện từng cử chỉ tay, hệ thống sẽ phân tích và thống kê thói quen của người bệnh. Từ đó, máy đưa ra cảnh báo sớm, giúp người thân nắm bắt và dễ dàng chăm sóc họ hơn.
Kỳ Anh cho hay ý tưởng nảy sinh khi em đỡ đần bố mẹ chăm sóc bà nội bị tai biến. Vì chỉ cử động được một tay, bà em gặp khó khăn trong hầu hết việc. Khi tìm hiểu, Kỳ Anh thấy các sản phẩm hỗ trợ người sau tai biến trên thị trường có giá cao do nhập từ nước ngoài, ít phù hợp thể trạng người Việt Nam.
"Vườn ươm" sáng tạo từ nhà trường và các cuộc thi
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào sáng tạo trẻ không thể không kể đến vai trò của các trường học và các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Nhiều trường học đã thành lập các câu lạc bộ khoa học, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thỏa sức đam mê, nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng. Các cuộc thi như "Sáng tạo trẻ", "Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia" không chỉ là sân chơi để các em thể hiện tài năng mà còn là nơi ươm mầm, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng cao.
"Nhỏ mà có võ": Tiềm năng ứng dụng và phát triển
Những sáng chế của học sinh, sinh viên Việt Nam không chỉ dừng lại ở mô hình thử nghiệm. Nhiều dự án đã chứng minh được tiềm năng ứng dụng thực tế và khả năng phát triển thành sản phẩm thương mại.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, phong trào sáng tạo trẻ Việt Nam vẫn còn đối diện với không ít thách thức. Vấn đề về kinh phí nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và cơ chế thương mại hóa sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Để những sáng chế "nhỏ mà có võ" này thực sự "làm nên chuyện lớn", cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ gia đình, nhà trường, các cấp quản lý đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Việc tạo ra một "bệ phóng" vững chắc, hỗ trợ các em từ giai đoạn ươm mầm ý tưởng đến khi sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, không chỉ là đầu tư cho tương lai của khoa học công nghệ Việt Nam mà còn là đầu tư vào nguồn lực con người chất lượng cao, góp phần xây dựng một đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển bền vững. Những sáng chế đầy tiềm năng của học sinh, sinh viên chính là những viên gạch đầu tiên trên con đường đó.
Hương Mi