'So sánh giai đoạn trước và sau Covid, tỷ trọng đóng góp vào NSNN từ thuế TNDN của khu vực tư nhân đã tăng lên đáng kể'
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp, trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hiện nước ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong tình hình mới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chia sẻ: “Theo số liệu của tổng cục thống kê, có sự gia tăng rất mạnh mẽ của các doanh nghiệp đăng ký mới và những doanh nghiệp quay trở lại thị trường trong thời gian qua, đặc biệt tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân đã gấp đôi so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hay từ vốn của nhà nước.Mặc dù chúng ta cũng thấy trong năm 2024, đặc biệt là nửa đầu năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng có sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục so với thời gian trước đây, cũng như so với các nước trong khu vực ASEAN. Hay nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước nền kinh tế cũng là bệ đỡ để phục hồi cho tăng trưởng kinh tế của năm 2023 và 2024 cũng khá khả quan.
So sánh trong bức tranh này thì sự quay trở lại thị trường và tăng trưởng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân cho thấy bức tranh tương đối sáng.
Tôi đồng tình với khảo sát gần đây của Ban Kinh tế tư nhân, cho thấy triển vọng cũng như dự báo bức tranh tươi sáng hơn của nền kinh tế Việt Nam đã có một sức lôi cuốn và kéo theo sự hứng khởi của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, khi chúng tôi so sánh cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước và sau Covid 19 thì tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực tư nhân đã tăng lên đáng kể, trong bối cảnh tỷ trọng đóng góp của khu vực vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế nhà nước giảm một chút.
Với những điều đó, tôi cũng hy vọng có một bức tranh tươi sáng hơn, hứng khởi hơn, tự tin hơn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nhân trong nước trong sự phát triển chung của kinh tế đất nước và trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong thời gian tới”.
Chủ tịch VPBA Nguyễn Trọng Điều: "Không thể đòi hỏi ai khác ngoài bản thân các doanh nhân phải nâng mình lên"
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực.
Trong một khảo sát với 891 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố mới đây, 56,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về đơn hàng; 44,4% gặp khó khăn về thủ tục hành chính (chủ yếu là từ các địa phương); 37,7% gặp khó khăn về dòng tiền; 31,7% gặp khó khăn về thông tin thị trường. Đặc biệt, có 47% doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ lo lắng trước nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Với những khó khăn, thách thức như vậy, 68,5% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến giảm quy mô hoặc tạm ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới.
Các doanh nghiệp cũng nêu ra 4 nhóm vấn đề, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại biểu các doanh nhân tiêu biểu diễn ra chiều 11/10 tại Phủ Chủ tịch, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) chia sẻ: “Khu vực kinh tế tư nhân cũng còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển, cùng với đó là những khó khăn, thách thức gay gắt do tác động tiêu cực, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước chưa thể khắc phục ngay trong một sớm, một chiều”.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch VPBA đã báo cáo, kiến nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một số nhóm khó khăn, thách thức chủ yếu với khu vực kinh tế tư nhân, cũng như các giải pháp khắc phục, tháo gỡ.
Đầu tiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có lượng vốn yếu và mỏng so với quy mô tổng tài sản, quy mô các dự án và tham vọng đầu tư phát triển kinh doanh. Các giải pháp tiếp cận vốn cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào ngân hàng.
“Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp chững lại trong nỗ lực vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, nhiều kế hoạch kinh doanh và đầu tư bị chậm trễ hoặc không thực hiện được, thậm chí một số doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phá sản vì mất cân đối dòng tiền. Bản thân doanh nghiệp không thể gia tăng sự phụ thuộc vào ngân hàng, cũng không thể đòi hỏi ngân hàng dễ dàng giải ngân, hạ tiêu chuẩn tín dụng hay tài trợ vốn rẻ cho doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nói.
Do vậy, theo Chủ tịch VPBA, doanh nghiệp phải nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, thông qua các kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, vốn vay nước ngoài. Giải pháp cho vấn đề này là, trước hết doanh nghiệp cần minh bạch hóa và nâng cao năng lực quản lý vốn, tránh đầu tư dàn trải thiếu kiểm soát, tránh chạy đua đầu tư trái tay vào những tài sản hoặc thương vụ rủi ro cao trong các ngành nghề “nóng”, tránh tư tưởng đầu tư siêu lợi nhuận “được ăn cả, ngã về không”.
Đặc biệt, doanh nghiệp không được lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách nhằm trục lợi dẫn đến vi phạm pháp luật như chúng ta đã biết vừa qua. Doanh nhân mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của thị trường chứng khoán, thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu để cân bằng giữa sự bền vững của thị trường và nhu cầu vốn thiết thực của doanh nghiệp.
Tiếp đó, hầu hết doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam yếu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo và năng lực làm chủ công nghệ lõi, nhất là các công nghệ mới, công nghệ đột phá.
Giải pháp cho vấn đề này là doanh nghiệp cần phân bổ tỷ trọng đầu tư tương xứng cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ công nghệ. Đồng thời, các doanh nhân là người làm chủ doanh nghiệp cũng phải liên tục học hỏi để trở thành những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo và nắm bắt công nghệ.
Cùng với đó, doanh nhân kỳ vọng Nhà nước mạnh dạn tạo điều kiện hơn nữa trong việc cho phép thử nghiệm có giới hạn (sandbox) các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo đột phá; đồng thời xem xét các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp dấn thân thử nghiệm các giải pháp, mô hình sáng tạo đột phá này. Ngoài ra, trong các đàm phán với các doanh nghiệp FDI trọng yếu đầu tư vào Việt Nam, nên xem xét bổ sung các yêu cầu về tỷ trọng người Việt Nam nắm giữ các vị trí then chốt trong doanh nghiệp, hoặc yêu cầu để doanh nghiệp trong nước được tham gia góp vốn vào liên doanh FDI.
Đồng thời hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều lúng túng, hạn chế về năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và tầm nhìn phát triển bền vững.
Giải pháp cho vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, trước hết không thể đòi hỏi ai khác ngoài bản thân các doanh nhân phải nâng mình lên, phải học hỏi và nghiên cứu sâu sắc các mô hình và chuẩn mực quản trị tiên tiến, nuôi dưỡng khát vọng, tầm nhìn và sứ mệnh để không tự ti, cũng không tự mãn với những thành quả bước đầu.
“Doanh nhân kỳ vọng Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho những trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực mà một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở nước ta đã và đang dũng cảm, tiên phong đầu tư, phát triển. Chúng ta tin tưởng ý chí, khát vọng, sự nhạy bén, thông minh và cần cù là những phẩm chất quý báu của con người và doanh nhân Việt Nam, nếu chúng ta biết kết hợp các vốn quý đó với năng lực quản trị, tầm nhìn và khoa học, công nghệ hiện đại của phương Tây, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những điều thần kỳ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như cách mà nhiều nước Châu Á đã và đang thực hiện thành công”, ông Điều chia sẻ trước sự chứng kiến của hàng trăm doanh nhân tiêu biểu trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Cuối cùng, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển làm tốt vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình.
Tuy nhiên, tình trạng thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà; nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công việc tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm được khắc phục… đó là những điểm nghẽn tạo nên khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Doanh nhân đề nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, và dễ hiểu, dễ thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Những nỗ lực cải cách thể chế cần tiếp tục được đẩy nhanh một cách quyết liệt và khoa học để kiến tạo môi trường pháp lý, công vụ và môi trường kinh doanh hướng đến mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích mọi công dân, doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước.