Những pha tiếp thị “cao thủ không bằng tranh thủ”

Hãng Jaguar vừa đổi logo, gây xôn xao toàn thế giới. Ngay lập tức một loạt tổ chức, công ty tung quảng cáo “ăn theo” và đạt hiệu quả bất ngờ.

Hãng xe Jaguar vừa đổi bộ nhận diện thương hiệu và nhận chỉ trích chủ yếu vì bộ nhận diện thương hiệu mới bị thay đổi thành phong cách kém mạnh mẽ hơn và biểu tượng chú báo chồm quen thuộc cũng bị loại bỏ. Thế nhưng giữa làn sóng ấy, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã rất nhanh nhạy dùng việc “chú báo biến mất” để làm nội dung kêu gọi mọi người bảo vệ những loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong bài đăng, WWF sử dụng hình ảnh chú báo Jaguar để mô phỏng dòng thời gian của thương hiệu xe hơi cùng tên này trong từng thời kỳ. Từ năm 1957 đến năm 2021, hình ảnh chú báo vẫn còn xuất hiện trong biểu trưng của Jaguar. Tuy nhiên, đến năm 2024, chú báo đã không còn, ngụ ý rằng loài động vật này đang ở trong tình trạng nguy cấp và sẽ có khả năng tuyệt chủng nếu không có những biện pháp bảo vệ phù hợp.

b.jpg
WWF rất nhanh nhạy dùng việc “chú báo biến mất” để làm nội dung

Khả năng bắt trend nhanh nhạy và phù hợp của WWF đã giúp bài viết nhanh chóng gây sốt với hàng nghìn lượt tương tác, bình luận. Đa phần đều khen ngợi đội ngũ sản xuất nội dung của WWF đã rất sáng tạo và thông minh khi tận dụng xu hướng để truyền tải một thông điệp ý nghĩa.

Nếu nhìn từ khía cạnh chuyên môn, động thái “cao thủ không bằng tranh thủ” này được gọi là fastvertising.

Fastvertising là từ ghép giữa fast (nhanh) và advertising (quảng cáo), tức chỉ việc sáng tạo nội dung, chiến dịch tiếp thị ăn theo một xu hướng đang nổi trong xã hội. Vì là “ăn theo xu hướng”, vậy nên thời gian quảng cáo phải rất nhanh, tận dụng khi trào lưu còn nóng để tăng tối đa tương tác. Kết hợp với sức mạnh của mạng xã hội, mỗi quảng cáo theo kiểu fastvertising có thể thu hút hàng trăm, hàng triệu lượt xem chỉ trong vài giờ, thậm chí vài phút.

Không chỉ là lượng tương tác khổng lồ, fastvertising còn đem đến rất nhiều lợi ích cho khách hàng nếu áp dụng đúng cách.

Quan trọng bậc nhất là là tạo nên sợi dây kết nối cảm xúc với người xem. “Ăn theo xu hướng” đồng nghĩa với việc thương hiệu đang hòa mình vào những gì diễn ra trong thế giới thật. Khi ấy, thương hiệu và người xem đang theo đuổi những sự việc giống nhau, từ đó dễ dàng tạo nên sợi dây cảm xúc, khiến khán giả tìm thấy những điểm liên quan giữa đời sống của mình và với thương hiệu.

Trong sự kiện Jaguar lần này, không chỉ có WWF bắt trend thành công, mà nhà sản xuất điện thoại Nothing cũng thắng lợi lớn, đồng thời còn nhấp nhả tin tức về một màn hợp tác trong tương lai.

Cụ thể, trên tài khoản X, Nothing đăng tải 1 hình ảnh chứa logo của họ nhưng theo phông chữ mới của Jaguar. Đồng thời họ cũng đổi luôn dòng giới thiệu thành “Copy Jaguar”. Đây là một kiểu chơi chữ. Trước đó slogan mà Jaguar đưa ra là “Copy Nothing”, nghĩa là “chẳng bắt chước ai cả”, nhưng tình cờ lại có một hãng điện thoại có tên là Nothing. Không bỏ lỡ cơ hội, hãng Nothing lập tức “ăn theo” khi đặt hình ảnh của mình song song với logo mới và slogan của Jaguar.

Tuy là bắt chước, nhưng phiên bản Nothing không nhận về gạch đá như Jaguar, mà lại khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì cách bắt trend rất thú vị. Ngoài ra nhiều người còn khuyến khích Nothing “chào hàng” giải pháp công nghệ của mình cho hệ điều hành xe của Jaguar. CEO Carl Pei của Nothing khen gợi ý tưởng này. Mọi chuyện càng đẩy lên cao hơn khi Trưởng nhóm thiết kế UI dòng Jaguar Land Rover đã phản hồi lại Pei: “Hãy sẵn sàng nhé”.

Chưa biết việc hợp tác có thể tiến triển tới đâu, nhưng Nothing cũng đã thắng lớn mặt trận truyền thông. Các bài đăng trước đó của họ trên X chỉ quanh quẩn vài chục lượt thả tim, bình luận, thế nhưng bài đăng bắt trend Jaguar lại nhận về hơn 4,4 triệu lượt xem, hơn 2.300 lượt yêu thích và hơn 4.000 lượt retweet.

Đây là những con số đủ để Nothing hài lòng trong “xu hướng Jaguar” lần này. Nó cũng là minh chứng cho hiệu quả fastvertising, loại hình truyền thông “cao thủ không bằng tranh thủ”.