Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực TM-DV vẫn duy trì sức bật ấn tượng, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh. Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 14.632 tỷ đồng, tăng 11,86%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,25% (mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I năm 2025 đạt 21.510 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 1.720 triệu USD, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 158 triệu USD... Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cả về quy mô và tốc độ so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong giai đoạn 2021-2025. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy góp phần duy trì tăng trưởng hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Các lĩnh vực tăng trưởng đều với doanh thu bán lẻ hàng hóa 19.042 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng mức và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.353 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng mức, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2024. Ngành lưu trú đạt 79 tỷ đồng và 219 nghìn lượt khách, tăng 15,5% doanh thu và 13,7% lượt khách; ngành ăn uống đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 21,5%. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6 tỷ đồng và 9,3 nghìn lượt khách, tăng 24,6% doanh thu và 15,3% lượt khách; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.109 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng mức và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Phiên chợ Tết Công đoàn năm 2025.
Để đạt được những kết quả tích cực này, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp quan trọng như tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu giữa với các tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững; nâng cao công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ nguồn cung - cầu, xử lý nghiêm tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh; phát triển hạ tầng thương mại; chú trọng mở rộng hệ thống bán lẻ tại khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng dễ dàng hơn.
Đặc biệt, ngành Công Thương đã tích cực làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm tươi sống và hàng hóa đặc sản của tỉnh như hệ thống siêu thị: GO! Nam Định, Lan Chi Mart, Winmart... Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, nổi bật là Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024, Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại nước ngoài... Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh mở rộng quy mô mà còn tạo cơ hội cho hàng hóa sản xuất trong tỉnh tiếp cận thị trường quốc tế.
Ngay trong những tháng đầu năm 2025, nhờ các chương trình xúc tiến thương mại, bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng trước và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động TM-DV trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động. Nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người dân gia tăng đã góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng trên 2 con số so với cùng kỳ năm 2024.

Ngành thương mại - dịch vụ nỗ lực bứt phá
TM-DV của tỉnh dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế và sự phát triển bền vững của hạ tầng thương mại. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số và sự bùng nổ của thương mại điện tử, thị trường bán lẻ sẽ có cơ hội lớn để phát triển. Đặc biệt, sự kết hợp giữa các kênh bán lẻ truyền thống và trực tuyến sẽ là động lực chính giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm mua sắm. Do đó, để tiếp sức cho ngành TM-DV giữ vững đà tăng trưởng, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các phương án quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại... gắn với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác, đáp ứng quy hoạch không gian đô thị, kết cấu hạ tầng liên vùng. Ngành TM-DV chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư vào hạ tầng thương mại hiện đại, mở rộng kênh phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng thời thúc đẩy sự phát triển mô hình bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chú trọng tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến với phân phối, tiêu thụ sản phẩm, gắn với thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Song song đó chú trọng công tác thu hút đầu tư từ các tập đoàn bán lẻ lớn, phát triển hệ thống logistics và chuỗi cung ứng hiện đại cũng nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành TM-DV trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tạo nền tảng vững chắc để ngành TM-DV nỗ lực bứt phá, góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là tăng trưởng GRDP đạt mức 2 con số.
Nguyễn Hương