Anh Nguyễn Công Hiệu (43 tuổi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã biến giấc mơ ấp ủ bao lâu này thành hiện thực khi thành công xây dựng mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở vùng đất Tây Nguyên. Việc phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng sẽ giúp cho người dân vừa bảo vệ tốt môi trường rừng, vừa phát triển kinh tế.
Anh Hiệu và một số người bạn bắt đầu công việc này từ năm 2017. Ban đầu, anh trồng thực nghiệm cây nấm linh chi đỏ dưới một số tán rừng tự nhiên, rừng trồng và cả dưới tán các cây nông nghiệp.... Sau khi nấm mọc lên ở nhiều môi trường khác nhau, anh Hiệu đã mang đi kiểm tra về giá trị dưỡng chất trong cây. Từ cơ sở đó, anh chọn ra một môi trường thích hợp nhất để trồng lâu dài, nhằm thu lại chất lượng nấm tốt nhất. Vượt lên khó khăn, không nản chí trước thất bại, cuối cùng anh đã chọn trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai.
Anh Hiệu cho hay: “Vào năm 2017, tôi và một số người bạn cùng chung vốn để mua đất và trồng hơn 40ha cây keo lai tại huyện Chư Păh (Gia Lai). Tận dụng rừng keo này, tôi đã thử nghiệm trồng nấm linh chi dựa theo mô hình của một giáo sư Việt Kiều ở Châu Á chuyển giao”.
Được biết, ban đầu, anh Hiệu trồng dưới tán cây bơ nhưng không hiệu quả do lá, thân bơ che đi ánh sáng mà chi phí nhân công chăm sóc, làm cỏ lớn, nên không khả thi. Không nản chí, anh Hiệu đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chuyển giao, tích lũy kiến thức để trồng thử nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau. Năm 2022, anh quyết định chọn dưới những tán cây keo để trồng gần 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1ha. Quyết định này đã thu về thành công đáng kể.
Theo lời của anh Hiệu, dưới tán keo thì ít cỏ mọc, dễ vệ sinh. Ngoài ra, nhựa của lá keo rụng xuống cũng rất tốt cho đất nuôi phôi nấm. Nấm trồng dưới tán cây keo đạt tỷ lệ sống tới 98%, cao hơn rất nhiều so với trồng trong nhà kính. Quan trọng hơn cả là chất lượng nấm linh chi trồng vượt trội hơn so với nấm ngoài tự nhiên vì thu hoạch đúng thời gian, chế độ dinh dưỡng cung cấp cho cây đầy đủ.
“Để trồng 1ha nấm linh, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Đây là mô hình mạo hiểm khi bỏ ra số tiền lớn để trồng xuống đất, mà không biết nó phát triển như thế nào. Nhiều người đã ngăn cản nhưng với đam mê, tôi đã quyết tâm đánh liều để trồng”, anh Hiệu tâm sự.
Sau hơn 4 tháng “ăn ngủ cùng nấm”, 1.000 phôi nấm đầu tiên với trọng lượng 50kg đã được thu hoạch. Mỗi ký nấm tươi, anh Hiệu bán với giá 500 nghìn đồng, còn nấm phơi khô hút chân không có giá 1,5 triệu đồng/kg.
Anh Hiệu cho biết: “Trung bình, tôi đầu tư 1.000 phôi với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Với 1.000 phôi, tôi sẽ thu hoạch khoảng 3 - 4 lần với tổng lợi nhuận lên tới 120 triệu đồng. Thời điểm thu hoạch cần đúng thời gian để nấm không chuyển hóa thành gỗ, làm mất đi hàm lượng quý giá”.
Sau khi thu hoạch xong, anh Hiệu sẽ vệ sinh nấm và thực hiện sấy khô nhằm bảo quản trong một thời gian dài. Một ký nấm tươi ra thành phẩm là 430 gram. Hiện, anh Hiệu đã trồng hơn 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích khoảng 1ha và dự kiến đến cuối năm 2022, anh sẽ trồng thêm 20.000 phôi để mở rộng diện tích.
Ngoài ra, anh Hiệu đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Núi cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con đồng bào trên địa bàn có thể mở rộng diện tích, phát triển kinh tế.
Anh Hiệu cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa cho người dân trồng thử nghiệm. Đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Đây là mô hình rất tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế cao, thoát nghèo bền vững. Mục tiêu của chúng tôi là liên kết, tạo điều kiện cho người dân 2 làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka) có thêm nguồn thu nhập. Hợp tác xã sẽ cung ứng phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư hỗ trợ ban đầu sẽ được khấu trừ khi người dân có sản phẩm bán cho hợp tác xã”.
Theo Sở hữu trí tuệ