Động vật tại Bảo tàng Động vật học, Đại học Cambridge có thể trò chuyện với khách tham quan qua điện thoại nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là thử nghiệm mới được đưa vào để phục vụ khách tham quan. Hơn 12 mẫu vật, từ gián Mỹ, dodo đến gấu trúc đỏ và bộ xương cá voi vây, sẽ được trao tặng "khả năng trò chuyện" nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Động vật tại Bảo tàng Động vật học sẽ chia sẻ câu chuyện của chúng, thậm chí cả trải nghiệm sau khi chết.
Mỗi loài Động vật được trang bị giọng nói và tính cách riêng, các mẫu vật có thể trò chuyện bằng giọng nói hoặc văn bản qua điện thoại của khách tham quan. Công nghệ này cho phép chúng mô tả thời gian sống trên Trái Đất và những thử thách gặp phải, với hy vọng đảo ngược sự thờ ơ của con người đối với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học.
Jack Ashby, trợ lý giám đốc bảo tàng, cho biết nhiều bảo tàng sử dụng AI theo nhiều cách khác nhau, nhưng "đây là ứng dụng đầu tiên cho phép các mẫu vật tự nói lên quan điểm của mình". "Một phần của thử nghiệm là xem liệu việc cho động vật tiếng nói riêng có khiến mọi người nghĩ khác về chúng hay không. Liệu có thể thay đổi nhận thức của công chúng về một con gián bằng cách cho nó một giọng nói?", Jack Ashby nói.
Các mẫu vật thay đổi giọng điệu và ngôn ngữ để phù hợp với độ tuổi của người đối thoại và có thể trò chuyện bằng hơn 20 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật. Thú mỏ vịt có giọng Australia, gấu trúc đỏ có giọng Himalaya, và vịt trời có giọng Anh. Thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp, Ashby hy vọng khách tham quan sẽ học được nhiều hơn những gì có trên nhãn của mẫu vật.
Các cuộc trò chuyện giữa khách tham quan và mẫu vật sẽ được phân tích để hiểu rõ hơn về thông tin mà mọi người muốn biết. AI gợi ý một số câu hỏi, chẳng hạn như hỏi cá voi vây "hãy kể cho tôi nghe về cuộc sống ở đại dương", nhưng khách tham quan có thể hỏi bất cứ điều gì họ muốn.
Theo Guardian