"Quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu thầu
Theo thông tin Báo NTNN có được, năm 2011 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nhiều văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền TP Hà Nội chấp thuận đầu tư dự án Đầu tư trang thiết bị Y tế Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Khi đó, dự án được kỳ vọng nâng cao năng lực chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh của Bệnh viện để phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh ở TP, khu vực lân cận. Dự án được đấu thầu rộng rãi, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) là đơn vị trúng thầu với giá trị hơn 63,3 tỷ đồng.
Dự án này được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ cuối tháng 11/2012 và được đánh giá đã phát huy hiệu quả, giúp hàng nghìn trẻ em phát hiện sớm dị tật, đặc biệt là trẻ di truyền bệnh tật bẩm sinh.
Tuy nhiên, Báo NTNN nhận được phản ánh về dấu hiệu "quân xanh, quân đỏ" trong dự án đấu thầu này. Cụ thể, cùng tham gia đấu thầu với AIC đều là các doanh nghiệp có liên quan đến Công ty này. Theo đó, tham gia nộp hồ sơ dự thầu có Công ty Mopha, Công ty Phúc Hưng, Liên danh TNHH Tư vấn y tế Mediconsult Việt Nam.
Đây cũng là các doanh nghiệp "quen mặt" đã được điểm danh trong "đại án AIC" liên quan đến dự án đầu tư tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và Bệnh viện Đồng Nai.
Như tại Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, cơ quan chức năng xác định bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao các cá nhân chỉ đạo, điều hành nhân viên Công ty AIC mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho Công ty AIC, Công ty Mopha (quân đỏ) và các công ty khác (quân xanh) để có đủ số lượng hồ sơ theo quy định.
Trong các "quân xanh" có Công ty Phúc Hưng do ông Nguyễn Anh Dũng (anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn) làm Giám đốc. Tại tòa, ông Dũng đã thừa nhận được "dựng" lên làm Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng, việc quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty này được bà Nhàn giao người khác thực hiện.
Theo xác định của các cơ quan tố tụng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao người chỉ đạo, điều hành 4 công ty trong hệ sinh thái và công ty đối tác của Công ty AIC ký thỏa thuận liên danh, lập hồ sơ dự để làm "quân xanh" cho Công ty AIC, Công ty Mopha. Kết quả, Công ty AIC trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản Nhi với tổng số tiền 232 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Còn tại vụ án Bệnh viện Đồng Nai, cơ quan tố tụng xác định quá trình lập hồ sơ điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, giữa bệnh viện, Công ty AIC và Công ty Mediconsult đã có sự thông đồng trong cung cấp cấu hình kỹ thuật và giá thiết bị để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trở lại với dự án đầu tư trang thiết bị y tế tế Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Báo NTNN/Dân Việt nhận được phản ánh có những dấu hiệu dàn xếp cho Công ty AIC trúng thầu theo đúng bài "quân xanh, quân đỏ". Để làm rõ vấn đề này, PV đã gặp và trao đổi với ông N.D.A – nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Hợp đồng mua thiết bị cao hơn giá nhập khẩu hơn 3 tỷ đồng?
Ông N.D.A cho biết, thời kỳ thực hiện dự án kể trên ông là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn và đảm nhận vị trí Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ năm 2013. Thời điểm đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nên "không có một ai để tham khảo vì Việt Nam chưa có một trung tâm như vậy".
Khoản 12, Điều 12 Luật Đấu thầu Điều quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu: Dàn xếp, thông đồng giữa hai hay nhiều nhà thầu để một nhà thầu trúng thầu trong cùng một gói thầu, giữa nhà thầu thực hiện gói thầu và nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện, giữa nhà thầu thực hiện gói thầu và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ nghiệm thu kết quả thực hiện.
"Cả nước đã có ai thầu vậy đâu, cả Việt Nam chưa có thì lấy đâu hợp đồng tương tự mà so. Không có phải chịu chứ", ông A trả lời về việc nhà thầu AIC không có đủ hợp đồng tương tự theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BKH.
Với phản ánh một số thiết bị y tế trong dự án có sự chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá hợp đồng do nhà thầu cung cấp, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xác nhận giá gói thầu hơn 63 tỷ, sau khi cơ quan chức năng xem xét, đối chiếu có chênh lệch hơn 3 tỷ đồng.
Ví dụ, kính hiển vi huỳnh quang giá nhập khẩu hơn 745 triệu đồng, Bệnh viện mua với giá hơn 1,4 tỷ đồng; máy siêu âm model Sonoace R5 giá nhập khẩu hơn 315 triệu đồng, Bệnh viện mua theo hợp đồng với giá hơn 1 tỷ đồng; máy siêu âm model ACCUVIX A30 giá nhập khẩu hơn 2,1 tỷ đồng nhưng hợp đồng với bệnh viện có giá hơn 3,9 tỷ đồng…
Vị này lý giải: "Không ai người ta đi bán hàng nói giá "ship" cho mình cả. Người ta báo cho mình trước là mua bằng đấy, bán từng này, mua hay không thì thôi... không có chuyện đó. Người ta bán trọn gói cho mình máy móc. Thực ra đi bán hàng người ta phải chênh, không chênh lấy gì người ta sống. Người ta bán phải có lãi, tất nhiên không được mua đắt quá, không được mua về không dùng, còn bây giờ làm sao biết được giá mua gốc là bao nhiêu, ai cho mình biết?".
Trước thông tin phản ánh, Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế chỉ có 7/18 thiết bị có Giấy ủy quyền của nhà phân phối và ủy quyền của nhà sản xuất không đúng như tiêu chí của hồ sơ dự thầu yêu cầu là phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối, ông Ánh cho rằng, Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế không đứng đại lý bởi bản thân Công ty không biết Việt Nam có làm nhiều Trung tâm sàng lọc sơ sinh hay không.
Theo ông Ánh, Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế có 7/18 thiết bị có Giấy ủy quyền của nhà phân phối và ủy quyền của nhà sản xuất "là còn may", bởi có trường hợp thiết bị lần đầu tiên mang về Việt Nam còn chả ủy quyền nào…
Về năng lực của các Công ty Mopha, Công ty Phúc Hưng, Liên doanh TNHH Mediconsult Việt Nam và Công ty AIC khi tham gia đấu thầu, cũng như dấu hiệu "quân xanh, quân đỏ", ông cho rằng ở thời điểm đó "không biết Công ty Mopha của Công ty AIC, không thể biết nó được", "ngày xưa có biết nó là tội phạm đâu, đủ năng lực thì mua".
Thêm nữa, nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội cho rằng "toàn bộ việc đơn vị nào trúng thầu, làm hồ sơ thầu, chấm thầu đã thuê một đơn vị làm. Đơn vị đó có tư cách pháp nhân, mình là bác sỹ, là Giám đốc làm sao biết được". Ông A xác nhận "làm sao đi kiểm tra từng công ty có bao nhiêu gói thầu, trị giá bao nhiêu tiền".
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhắc lại, dự án này cần được xem xét ở góc độ hiệu quả lợi ích cộng đồng, còn khi triển khai là lần đầu tiên bệnh viện được giao làm chủ đầu tư, lúc đó không biết gì về mua sắm. Thời điểm đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng không thành lập Ban chuyên đề để thực hiện gói thầu, chỉ thành lập Hội đồng Khoa học. "Mọi việc thông qua hội đồng đấy chứ không thành lập Ban Chuyên đề", vị này thông tin.
Trước các dấu hiệu đấu thầu có liên quan đến "hệ thống quân xanh, quân đỏ" của Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ có hay không vi phạm và ai chịu trách nhiệm tại dự án này.
Tại Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đơn vị này cho biết đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy triển khai một cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC và các doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái" AIC.
Cùng với đó, UBKT Thành ủy Hà Nội triển khai 4 cuộc kiểm tra trong thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC và các doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái" AIC; Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các Công ty liên quan trên địa bàn thành phố; công tác cổ phần hóa tại Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.