Ngành thép Việt Nam năm 2021 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do những rào cản thương mại cùng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành BĐS cả nước cùng sự nới lỏng các biện pháp phòng dịch, dự báo trong năm 2022, ngành thép xây dựng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi, gặt hái được nhiều thành công lớn.
Nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến giá thép đạt mức kỷ lục
Thép không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là “lương thực” của các ngành công nghiệp nặng. Ngành thép luôn được Nhà nước xác định là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong quá trình phát triển đất nước. Sự tăng trưởng của ngành thép đi đôi với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Năm 2021, giá thép xây dựng bùng nổ. Ngay từ đầu năm đã bứt phá từ dưới mốc 13.000 đồng/kg lên hơn 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính đẫn đến giá thép tăng phi mã đến từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào đều tăng mạnh.
Đầu tháng 5/2021, giá thép trong nước đã chạm ngưỡng kỉ lục trên 17.000 đồng/kg, tăng lên đến 40-50% so với quý IV/2020.
Lý giải nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng, dù nguyên liệu thép giảm nhiệt trên thế giới và tại Trung Quốc, nhưng chuỗi cung ứng vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển. Thứ hai, nhu cầu tại thị trường Việt Nam tăng trở lại sau thời điểm ngày 1/10 khi nhiều địa phương phục hồi lại sản xuất, kinh doanh.
Vào tháng 4 -5/2021 vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi công văn cho các doanh nghiệp hội viên khuyến nghị đẩy mạnh công suất, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.
Các nhà thầu xây dựng lo "vỡ trận" vì giá thép tăng bất thường
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.
Hiệp hội đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân, các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhiều lần đã nhấn mạnh trong các báo cáo định kỳ rằng việc giá thép xây dựng tăng hoàn toàn giá nguyên liệu và nhu cầu tăng cao.
Hiện các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).
Các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.
Quý II là mùa cao điểm xây dựng, giá thép tăng cao trong mùa cao điểm xây dựng khiến các nhà thầu không lo lắng sẽ thua lỗ, đặc biệt là với các dự án đã ký kết hợp đồng trước đó.
Một doanh nghiệp xây dựng công trình dân dụng cho biết, đa số các công trình đều đã ký hợp đồng trọn gói. Giá thép tăng cao ăn mòn vào lợi nhuận của công ty, thậm chí phải chịu thua lỗ trong thời kỳ giá thép cao điểm hồi tháng 5 - 6. Còn đối với các chủ thầu có điều khoản về rủi ro trượt giá thì có vẻ bớt thiệt hại hơn.
Dịch COVID-19 khiến sức mua thép giảm dần vào cuối năm
Sau thời gian tăng nóng trước những tác động của dịch COVID-19, giá thép xây dựng hạ nhiệt vào cuối năm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khi nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến lượng bán hàng trong nước giảm. Theo đó, trong quý III, lượng bán hàng giảm tới 40% so với quý II.
Sang quý IV, lượng bán hàng vẫn chưa cải thiện. Chỉ riêng trong tháng 11, lượng bán hàng thép xây dựng đạt 872.846 tấn, giảm 26,11% so với tháng trước và giảm 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù giá lượng bán hàng giảm sút nhưng giá thép xây dựng giảm không quá mạnh, trung bình khoảng 16.200 đồng/kg, chỉ thấp hơn so với mức giá đỉnh 17.200 thiết lập hồi tháng 6 là 1.000 đồng/kg.
Sau khoảng thời gian sốt giá bất thường (từ tháng 12/2020), hiện tại, thị trường thép đã đi vào ổn định. Bộ Công Thương cho rằng giá sản phẩm thép đã hình thành nên “mặt bằng” giá mới theo thực tế khách quan.
Ngành thép chủ động phòng vệ thương mại
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong giai đoạn 2016 – 2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng hơn 20%năm, xuất khẩu thép thành phẩm 12%/năm. Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ…
Mặc dù phải đối phó với đại dịch COVID-19 thế nhưng trong năm 2021, ngành thép Việt Nam vẫn có những bước bứt phá ngoạn mục. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 6,5 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Từ năm 2004 đến tháng 10/2021, số lượng vụ việc PVTM đối với thép xuất khẩu Việt Nam là 66 vụ, nhiều vụ việc thép bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế suất áp dụng rất cao, hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN.
Trong thời gian gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra PVTM do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh…
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận, khi hàng hóa nói chung và thép nói riêng xâm nhập sâu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên việc đối mặt với các vụ kiện PVTM là điều tất yếu.
Hiện nay, năng lực ứng phó PVTM của doanh nghiệp thép đã được cải thiện, tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giai đoạn tới, nguy cơ và rủi ro kiện PVTM đối với mặt hàng này còn rất lớn do xu thế bảo hộ gia tăng. Theo đó, nếu bị áp thuế cao, sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu của sản phẩm thép.
Lo ngại hơn cả, các vụ việc không chỉ áp dụng trong một thị trường mà sẽ lan rộng ra nhiều thị trường khác. “Thách thức đặt ra đang rất lớn, doanh nghiệp cần chuẩn bị và có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, phân tán rủi ro PVTM ở một vài thị trường”, ông Đa chia sẻ.
Theo TS. Hoàng Ngọc Thuận – Đại học Ngoại Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định tâm thế ứng phó mạnh mẽ hơn. Trong đó, phải cải thiện nhiều hơn năng lực pháp lý và nhất là nguồn lực tài chính, vì chi phí để theo đuổi các vụ điều tra thường rất lớn. Đơn cử như vụ điều tra thép của Mexico, doanh nghiệp không chỉ sử dụng luật sư trong nước mà cần thuê đội ngũ tư vấn từ chính thị trường này để tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong các vụ điều tra; tránh các khó khăn, bất lợi.
Năm 2022, ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công
Tuy lượng bán hàng giảm mạnh, nhưng ngành thép được kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi bởi làn sóng đầu tư công trong năm 2022.
Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến hoạt động xây dựng thị trường xuất khẩu và việc giao thương, vận chuyển giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tại Indonesia, một trong những thị trường khá quan trọng của mảng thép dẹt Việt Nam, do một số rủi ro khách quan từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không có được giấy phép nhập khẩu nên không thể xuất khẩu sang quốc gia này từ đầu năm đến thời điểm tháng 7/2020.
Theo Bộ Công Thương, để phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ các nước trên thế giới ban hành nhiều gói kích thích kinh tế hàng chục nghìn tỷ USD làm cho giá các loại nguyên liệu sơ cấp của nền kinh tế thế giới (giá dầu mỏ, giá nguyên liệu thô, giá vận chuyển vật liệu) tăng.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2020 – 2021 ở mức cao lịch sử so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước đó cùng thời kỳ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thời gian sắp tới khi dần mở cửa cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và xây dựng hơn nhiều, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai dự án bị hoãn lại trong 9 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng giãn cách xã hội cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm khiến cho việc triển khai các dự án bất động sản nhiều khó khăn. Do đó, việc khởi động các dự án này góp phần thúc đẩy nhu cầu thép xây dựng.
Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định: "Xét thị trường tiêu thụ thép dài tại Việt Nam thì nhu cầu có tín hiệu tích cực cho các công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công lớn. Xu hướng giá giảm trong thời gian qua do giá phế nhập và nội địa giảm góp phần khiến các nhà thương mại e dè mua hàng vào cuối năm".
Theo Sở hữu trí tuệ