Những “nhà khoa học” không phòng lab
Dưới những mái nhà đơn sơ tại xã Lạc Lâm (Lâm Đồng), anh Nguyễn Hồng Chương – người nông dân chỉ học hết lớp 8 – đã tự mày mò chế tạo gần 50 loại máy nông cụ. Từ cần phun thuốc trừ sâu giúp giảm độc hại, đến máy gieo hạt chân không phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, những sáng chế của anh không chỉ được nông dân tin dùng mà còn vươn xa tới các nước bạn như Lào và Campuchia. Những sáng tạo ấy không chỉ giúp dân làng bớt lam lũ mà còn khiến các chuyên gia phải ngỡ ngàng.

Nhà nông dân sáng chế Nguyễn Hồng Chương (áo trắng) bên chiếc máy dồn đất vô vỉ xốp do anh chế tạo
Những tấm gương như anh Chương không phải là trường hợp hiếm hoi. Trên khắp dải đất hình chữ S, có hàng trăm, hàng ngàn người nông dân như anh – những con người âm thầm tự mày mò trong vườn nhà, bãi đất trống, thậm chí trong cái chòi nhỏ bên ruộng – để chế tạo nên các thiết bị hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp. Họ là những “nhà khoa học chân đất”, không quen với học thuật cao siêu, nhưng lại hiểu rõ đến từng tấc đất, từng nhịp sinh học của cây trồng, vật nuôi.
Tại xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), ông Lưu Quang Trương (68 tuổi) được nhiều người biết đến nhờ khả năng sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. Dù chỉ học hết lớp 3 và chưa từng qua đào tạo chuyên môn, ông vẫn chế tạo thành công nhiều thiết bị hữu ích từ đam mê và sự cần cù.
Từ khi còn trẻ, ông Trương đã hứng thú với việc tìm hiểu các loại máy móc công nghiệp. Nhận thấy những khó khăn trong đời sống nông nghiệp của người dân trong xã mình, ông Trương đã bắt đầu tìm tòi và sáng chế máy ép mía chạy bằng động cơ dầu từ các vật liệu phế liệu. Sau đó, ông tiếp tục cải tiến máy cắt cỏ thành máy cày xới đất nhờ động cơ xe máy cũ, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức lao động.

Ông Trương sử dụng chiếc máy làm cỏ, xới đất của mình. Máy làm được 4 sào một ngày nhưng chỉ tốn 1 lít xăng
Năm 2015, ông tạo ra máy xay và ép dầu đậu phộng bằng thủy lực – sản phẩm đạt giải tại hội thi khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa. Máy của ông xay được 100kg đậu phộng trong 1 giờ và ép kiệt dầu hơn hẳn phương pháp truyền thống, đồng thời có thể dùng cho nhiều loại hạt như mè, đậu nành, gấc…

Ông Lưu Quang Trương và sáng chế máy ép dầu đậu phộng thuỷ lực của mình
Không chỉ dừng ở một chiếc máy, ông Trương còn phát triển hệ thống ép dầu đậu phộng liên hoàn từ xát vỏ, lọc hạt đến ép dầu, chi phí hoàn chỉnh chỉ 28 triệu đồng. Ông đã lắp đặt cho nhiều hộ dân trong tỉnh và sẵn sàng chia sẻ bản thiết kế miễn phí cho ai muốn học hỏi. Hiện ông cũng đang hướng dẫn các xưởng cơ khí tại địa phương tiếp nối công việc của mình.
Một ví dụ tiêu biểu khác về “nhà nông sáng chế” là anh nông dân trẻ Hoàng Văn Duẩn (Bắc Kạn) đã tận dụng các thiết bị cũ của gia đình để mày mò nghiên cứu, sáng chế ra giàn nâng, gắp, xúc, ủi tích hợp trên máy kéo. Những cải tiến này không chỉ giúp tăng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần so với sức người mà còn mang lại cho anh nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm từ việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp.

Anh Hoàng Văn Duẩn tại “nhà xưởng” của mình - chính là gầm nhà sàn của gia đình, đang lựa chọn phụ tùng để nâng cấp giàn nâng gắp mới

Hệ thống giàn nâng, gắp, xúc, ủi của anh Duẩn giúp tăng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần so với sức người
Tại Hà Nội, anh Tạ Đình Huy (sinh năm 1990) là một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất. Xuất phát điểm là một người học nghề sửa xe máy, không qua trường lớp đào tạo bài bản về cơ khí, anh đã tự mày mò, học hỏi từ sách vở, tài liệu kỹ thuật và thực tiễn công việc để chế tạo ra chiếc máy nông nghiệp tích hợp 15 chức năng.
Trăn trở trước những vất vả, thủ công trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2013, anh Huy bắt đầu hành trình nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm chiếc máy đầu tiên. Anh cho biết: “Người không bằng cấp như tôi phải tự làm, tự rút ra công thức phù hợp. Thử nhiều, sai nhiều thì sẽ tìm ra cách đúng.”
Sau nhiều lần thất bại, thiếu kinh phí, phải bán cả phương tiện đi lại để đầu tư cho đam mê, đến năm 2014, chiếc máy đầu tiên ra đời và dần được hoàn thiện qua các năm tiếp theo. Máy có thể đảm nhiệm nhiều công đoạn như cày, bừa, gieo hạt, phun thuốc, tời kéo, phát điện, phục vụ canh tác trên nhiều địa hình khác nhau.

Anh Tạ Đình Huy bên chiếc máy “tốn” 12 năm nỗ lực, mày mò
Với mức giá từ 3,5 đến 20 triệu đồng, sản phẩm của anh nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nông dân trong và ngoài nước. Đến nay, anh đã thành lập xưởng sản xuất, trực tiếp đào tạo nghề cho thanh niên địa phương, đồng thời tiếp tục cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Có thể thấy, điểm chung của tất cả những người “nông dân sáng chế” là tinh thần sáng tạo không giới hạn – xuất phát từ nhu cầu thực tế và một niềm tin rằng “cái khó không bó cái khôn”. Tuy nhiên, nếu con đường sáng tạo của những người nông dân này là dốc cao, thì hành trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại là một hẻm nhỏ chằng chịt rào chắn.
Chông gai con đường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Rất nhiều người nông dân sáng chế chưa từng nghe đến “bằng độc quyền sáng chế” hay “giải pháp hữu ích”. Khi sản phẩm được lan truyền rộng rãi, nhiều người khác nhanh chóng sao chép, cải tiến sơ sài rồi bán ra thị trường với tên gọi mới, khiến “cha đẻ” rơi vào thế yếu. Họ không biết khởi kiện, không đủ tiền thuê luật sư, càng không đủ kiên nhẫn theo đuổi những thủ tục đăng ký rườm rà.
Nhiều nông dân sau khi sáng chế ra máy móc đã không ngần ngại chia sẻ cho cộng đồng cùng sử dụng. Tuy nhiên, không ít sản phẩm của họ sau đó bị sao chép và thương mại hóa một cách tràn lan. Trớ trêu thay, khi chính người sáng chế đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì lại gặp không ít khó khăn vì sản phẩm đã bị phổ biến rộng rãi, khó chứng minh tính độc quyền. Không giữ được bản quyền, họ buộc phải từ bỏ sáng chế cũ, âm thầm bắt đầu một hành trình mới với những ý tưởng khác.
Khi những bộ óc sáng tạo bị bỏ quên
Không thể phủ nhận, những người nông dân sáng chế đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam – đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi vẫn còn chiếm gần 30% lao động cả nước. Nhưng họ lại không có mặt trong các đề án phát triển công nghệ, không được hỗ trợ từ các quỹ đổi mới sáng tạo hay các chương trình bảo vệ sáng chế.
Việc thiếu cầu nối giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân sáng tạo khiến tiềm năng này bị lãng phí. Trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc có hẳn các tổ chức chuyên biệt để hỗ trợ nông dân sáng chế, thì tại Việt Nam, phần lớn các công trình đều “sống mòn” trong bóng tối.
Một tương lai khác cho những phát minh “từ làng quê”Đã đến lúc cần có chính sách đặc thù để khuyến khích, bảo vệ và thương mại hóa các sáng kiến từ nông dân. Không chỉ là tổ chức các cuộc thi hay trao bằng khen, mà là tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ bài bản: từ đào tạo kiến thức sở hữu trí tuệ, hỗ trợ hồ sơ đăng ký bằng sáng chế, cho đến kết nối với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm ra thị trường.
Một ý tưởng từng được nhắc đến là thành lập “Trung tâm hỗ trợ sáng chế nông thôn” – nơi những nông dân như ông Trương, anh Duẩn… có thể gửi gắm phát minh, nhận tư vấn bảo hộ, và có cơ hội vươn xa hơn khỏi phạm vi địa phương.
Những người nông dân sáng chế không cần lời tung hô, họ chỉ mong sản phẩm mình làm ra được tôn trọng và sử dụng đúng cách. Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình theo hướng công nghệ cao và kinh tế xanh, chính họ – chứ không ai khác – là hạt nhân thầm lặng cho cuộc cách mạng ấy. Chúng ta cần không chỉ biết ơn, mà còn phải hành động để những “trí tuệ làng quê” ấy không bị lãng quên.
Hạnh Dung