Làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Huế vào vụ Tết

Những ngày cận Tết, làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, TP Huế) lại rộn ràng, rực rỡ hơn hẳn.

Gìn giữ nghề truyền thống

Làng Hoa giấy Thanh Tiên, nép mình bên bờ sông Hương thơ mộng, một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Huế, mang trong mình những giá trị văn hóa và tín ngưỡng lâu đời. Nghề làm hoa giấy tại đây đã có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Tên gọi "Làng Hoa giấy Thanh Tiên" chính là kết quả của sự sáng tạo và công lao đóng góp không ngừng của người dân trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là trong các nghi lễ thờ cúng. Theo tục lệ xưa, hoa giấy được dùng để trang trí trong các nơi thờ cúng như Trang Ông, Trang Bà, Am Cảnh, hay Ông Táo, và thường xuyên được thay mới vào dịp Tết Nguyên Đán.

Làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Huế vào vụ Tết - Ảnh 2.

Những ngày cận Tết, làng hoa giấy Thanh Tiên lại rực rỡ sắc màu, nghệ nhân tất bật để kịp cung ứng hoa cho thị trường.

Đôi bàn tay thoăn thoắt cố định những bông hoa tinh xảo vào cành, nghệ nhân Nguyễn Hóa, người có kinh nghiệm hơn 50 năm trong nghề làm hoa giấy Thanh Tiên cho biết, từ tháng 9 Âm lịch, các gia đình trong làng đã bắt đầu các công đoạn chuẩn bị chu đáo. Từ việc vót tre, nhuộm cành, cắt hoa, tạo cánh cho đến việc kết hoa vào cành, tất cả đều được thực hiện với sự tỉ mỉ và cẩn thận.

Ông Hoá chia sẻ, mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên chứa đựng một triết lý sâu sắc qua 8 bông hoa chính. Ba bông hoa ở vị trí trung tâm tượng trưng cho ba giá trị lớn lao của Nho học: Quân - Sư - Phụ, hay có thể là Thiên - Địa - Nhân, hoặc Trung - Hiếu - Nghĩa. Đặc biệt, một bông hoa lớn, màu vàng hoặc đỏ, luôn nổi bật trên cành, đại diện cho mặt trời và đấng minh quân, biểu tượng của ánh sáng và quyền lực.

Làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Huế vào vụ Tết - Ảnh 3.

Những cành hoa giấy sẽ được gắn thành từng cây hoa lớn để tiện cho việc vận chuyển.

"Năm bông hoa hai bên của cành hoa, mỗi bông là một nét đẹp trong nhân cách con người: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, thể hiện những giá trị đạo đức và phẩm hạnh cao quý của văn hóa phương Đông" ông Hoá giải thích.

Qua nhiều thế hệ, nghề làm hoa giấy không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân xứ Huế. Từ làng Thanh Tiên, nghề này đã lan tỏa ra nhiều địa phương, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc.

Ban đầu, hoa giấy chỉ được làm phục vụ cho các hoạt động thờ cúng, nhưng hiện nay, sản phẩm đã trở nên đa dạng hơn và được sử dụng rộng rãi trong trang trí nhà cửa, lễ hội. Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, người dân Thanh Tiên đã tạo ra những bông hoa giấy mang sắc màu rực rỡ, bắt mắt. Những sản phẩm này không chỉ đẹp mà còn chứa đựng sự tinh tế và tỉ mỉ, phản ánh sự chịu khó và công phu của người làm nghề.

Sáng tạo không ngừng

Để đáp ứng sự đa dạng của thị trường, người dân làng Thanh Tiên đã không ngừng đổi mới và sáng tạo trong việc sản xuất hoa giấy, đặc biệt là việc phục hồi hoa sen giấy sau nhiều năm vắng bóng.

Theo anh Nguyễn Hiếu, một người làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên cho biết, hoa sen giấy đang rất được ưa chuộng vì tính linh hoạt trong việc sử dụng. Nó có thể được trang trí trong gia đình, dùng trong các lễ hội, sự kiện, hoặc thậm chí là để đặt lên bàn thờ gia tiên. Mỗi năm, gia đình anh sản xuất hàng nghìn bông hoa sen giấy, phục vụ không chỉ cho thị trường Huế mà còn gửi đi các tỉnh thành khác trong nước.

Làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Huế vào vụ Tết - Ảnh 4.

Làng hoa giấy Thanh Tiên thu hút rất đông em nhỏ đến trải nghiệm làm hoa.

Bên cạnh đó, người dân làng Thanh Tiên cũng tích cực ứng dụng công nghệ vào quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Họ sử dụng các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng thương mại điện tử để giới thiệu hoa giấy đến rộng rãi người tiêu dùng. Những sản phẩm hoa giấy của làng không chỉ xuất hiện tại các sự kiện lớn như Festival Huế, Festival làng nghề Huế hay Lễ hội áo dài mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, tới các thị trường như Mỹ, Anh…

Làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Huế vào vụ Tết - Ảnh 5.

Việc phục hồi hoa sen giấy sau nhiều năm vắng bóng là dấu hiệu tích cực của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

Nhờ vào sự sáng tạo và nỗ lực mở rộng sản xuất, người dân Thanh Tiên giờ đây không chỉ sản xuất hoa vào dịp Tết mà đã có công việc ổn định suốt cả năm. Điều này giúp họ duy trì được thu nhập bền vững. Vào năm 2013, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là Làng nghề truyền thống, và sản phẩm hoa giấy của làng cũng được công nhận là Sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Huế vào vụ Tết - Ảnh 6.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú với trải nghiệm làm hoa giấy.

Không chỉ chú trọng đến sản xuất, người dân làng Thanh Tiên còn phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Ngôi làng nhỏ nằm bên hạ lưu sông Hương đang ngày càng đổi mới, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và khám phá nghề làm hoa giấy đặc biệt này.

Nhờ vào sự sáng tạo và đam mê nghề truyền thống, người dân Thanh Tiên không chỉ có thu nhập ổn định nhờ sản phẩm này. Những bông hoa giấy Thanh Tiên, với màu sắc giản dị nhưng đầy ấn tượng, không chỉ làm đẹp thêm không gian sống mà còn tôn vinh nét đẹp văn hóa tâm linh của đất cố đô Huế.