Chuyên ngành Y học thể thao dự kiến tuyển sinh Thạc sĩ Bác sĩ vào quý 4 năm 2023

Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã thống nhất bỏ phiếu đồng thuận thông qua chương trình đào tạo Thạc sĩ Bác sĩ chuyên ngành y học thể thao đầu tiên của Việt Nam.

Chiều ngày 09/08/2023, Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 9 thành viên, chủ tịch Hội đồng là PGs.Ts. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia hàng đầu về Y học thể thao của Việt Nam như NGND.Gs.Ts.Bs.Lê Quý Phượng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh, PGs.Ts.Bs. Đặng Quốc Bảo - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Y học Quân binh chủng, Học viện Quân 103..,, các chuyên gia của Viện đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Ban đào tạo và Ban kế hoạch tài chính của Đại học quốc gia Hà Nội. Tham dự chứng kiến còn có TTND. Gs.Ts.Bs. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện phòng Đào tạo sau Đại học, phòng Tổ chức cán bộ và cán bộ Bộ môn Y học thể thao của Trường.

tt2

​​

Hội đồng thẩm định nghe PGTs.Bs. Võ Tường Kha, thay mặt Bộ môn Y học thể thao báo cáo dự thảo chương trình đào tạo Thạc sĩ Bác sĩ chuyên ngành Y học thể thao. Theo đó, đối tượng tuyển sinh là Bác sĩ đa khoa. Hình thức và nội dung tuyển sinh: thi tuyển môn cơ sở là môn Sinh lý học, môn chuyên ngành là môn Nội khoa, chứng chỉ chuẩn ngoại ngữ đầu vào là tiếng Anh, trình độ B1 khung châu Âu. Chương trình có 69 học tín chỉ, gồm: 8 tín chỉ cơ bản bắt buộc, 11 tín chỉ cơ sở theo ngành nội khoa (8 tín chỉ bắt buộc, 3 tín chỉ tự chọn), 40 tín chỉ chuyên ngành Y học thể thao (30 tín chỉ bắt buộc, 10 tín chỉ tự chọn) và 10 tín chỉ thực tập và thực hiện luận văn tốt nghiệp. Học viên tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Y học thể thao có khả năng đảm nhiệm: công tác quản lý y sinh học thể dục thể thao; chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho vận động viên, người tập thể dục thể thao; công tác Y học thể thao ở đội tuyển, câu lạc bộ thi đấu, tập luyện thể dục thể thao; công tác giảng dạy, chuyển giao kiến thức, khoa học công nghệ Y học thể thao cho các đối tượng đào tạo lại, các bậc đào tạo trình độ dưới Thạc sĩ và có thể nghiên cứu, học tập lên bậc Tiến sĩ và sau Tiến sĩ về Y học thể thao.

tt-1

Các thành viên của Hội đồng đã thảo luận, góp ý và thống nhất kết luận: 1) 100% thống nhất cho rằng mở ngành đào tạo Thạc sĩ Bác sĩ chuyên ngành Y học thể thao đầu tiên của Việt Nam, là cấp thiết đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ quản lý, chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho vận động viên và người tập thể dục thể thao, đồng thời từng bước “lấp vùng trắng” Y học học thể thao hiện nay. Thực hiện được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực này góp phần nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam theo Đề án 641 của Chính phủ tại Quyết định số 2198/QĐ-TTG ngày 03/12/2010 và góp phần nâng cao thành tích thi đấu thể thao trên các đấu trường khu vực và quốc tế; 2) Trên cơ sở các học phần cơ bản, các học phần cơ sở của ngành nội khoa phải thực hiện theo quy định của chương trình đào tạo ngành Thạc sĩ đã được phê duyệt, thì đối với các học phần chuyên ngành Y học thể thao cần làm rõ hơn nội hàm về ngành nội khoa, thêm các học phần tự chọn để đủ tỉ lệ theo quy định, giảm số tín chỉ cho mỗi học phần xuống còn 3-4 tín chỉ/học phần, tăng cường thời gian thực hành nhiều hơn theo tỉ lệ 1 lý thuyết: 2 thực hành, bổ sung 5-6 tín chỉ thực hành lâm sàng và cập nhật mới giáo trình, học liệu, tài liệu tham khảo; 3) Trường Đại học Y Dược chỉ đạo Bộ môn Y học thể thao tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong Hội đồng thẩm định, sớm chỉnh sửa hồ sơ về bố cục, thể thức theo quy định, trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt ban hành và tổ chức tuyển sinh khoá 1 đào tạo Thạc sĩ Bác sĩ chuyên ngành Y học thể thao đầu tiên của Việt Nam.

tt3

Cùng với mã ngành đào tạo cử nhân Y sinh học thể dục thể thao (7729001) mã ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa 1 Y học thể thao (607295) đã có, sự ra đời của chuyên ngành Thạc sĩ Bác sĩ Y học thể thao sẽ là nền móng đầu tiên cho xây dựng hệ thống thiết chế Y học thể thao Việt Nam, góp phần từng bước đưa Y học thể thao hoà nhập Y tế Việt Nam và hội nhập Y học thể thao quốc tế.