Trước thông tin về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (kẹo rau củ Kera) quá mức trên các nền tảng xã hội, ngày 06/3/2025 Cục An toàn thực phẩm đã ban hành các công văn số 396/ATTP-PCTTR gửi Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị khẩn trương kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt kinh doanh sản phẩm này tại Thành phố Hồ Chí Minh và công văn số 398/ATTP-PCTTR gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương chỉ đạo kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện trong quá trình sản xuất đối với sản phẩm kẹo rau củ Kera; việc sản xuất sản phẩm kẹo rau củ Kera tại Công ty Cổ phần ASIA LIFE. Các Đoàn của Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra các cơ sở nêu trên và lấy mẫu sản phẩm gửi Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.
Ngày 19/3/2025 Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã có kết quả kiểm nghiệm ban đầu theo đó các chỉ tiêu về hàm lượng đạm, đường, chất béo, năng lượng tổng cơ bản phù hợp với bản tự công bố của sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm thêm 1 số chất và chỉ tiêu an toàn.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia báo cáo Cục An toàn thực phẩm thì các chỉ tiêu về hàm lượng đạm, đường, chất béo, năng lượng tổng cơ bản phù hợp với bản tự công bố của sản phẩm, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, nấm, kim loại nặng..., đều không phát hiện hoặc nằm trong giới hạn an toàn.
Tuy nhiên Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng đã phát hiện sản phẩm có chứa Sorbitol là một chất tạo ngọt với hàm lượng 33,4 g/100g nhưng không có ghi trên nhãn sản phẩm theo qui định.
Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế Đăk Lăk đề nghị xử lý các vi phạm theo đúng qui định của pháp luật.
Được biết, Sorbitol hay còn gọi là glucitol, có công thức hóa học là C6H14O6. Đây là chất phụ gia được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp thực phẩm và thường dùng để sản xuất bánh, kẹo,... Sorbitol tồn tại dưới dạng chất lỏng màu trắng, vị ngọt, không mùi, tan trong nước hoặc rượu.
Việc sử dụng sorbitol quá mức có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, tiêu chảy, mất nước, khô miệng,... thậm chí, một số trường hợp có thể bị co thắt dạ dày, đau quặn bụng và kích ứng vùng hậu môn.
Các triệu chứng dị ứng với sorbitol rất hiếm xảy ra, có thể có: chóng mặt, khó thở, phát ban, ngứa, sưng (mặt, lưỡi, cổ họng). Tuy nhiên, nếu xuất hiện dấu hiệu dị ứng, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
Theo Điều 16 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, việc ghi thành phần của hàng hóa được quy định như sau:
"Điều 16. Thành phần, thành phần định lượng
1. Ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định này.
2. Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tùy theo tính chất, trạng thái của hàng hóa, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: Khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.
2. Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tùy theo tính chất, trạng thái của hàng hóa, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: Khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.
Trường hợp thành phần hàng hóa được định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.
3. Đối với một số loại hàng hóa, việc ghi thành phần, thành phần định lượng được quy định như sau:
a) Đối với thực phẩm ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng
a1) Nếu thành phần là chất phụ gia ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có);
a2) Trường hợp chất phụ gia là chất tạo ngọt, chất tạo màu ghi tên nhóm chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất hoặc mã số quốc tế INS (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”.
a3) Trường hợp chất phụ gia là hương liệu ghi “hương liệu” kèm theo một hoặc một số các cụm từ sau đây để làm rõ nghĩa: "tự nhiên", "giống tự nhiên", “tổng hợp”; "nhân tạo".
a4) Đối với trường hợp mã số phụ gia của quốc gia trùng với mã số quốc tế (INS) thì có thể ghi mã số quốc gia thay cho mã số quốc tế (INS);
b) Đối với thuốc dùng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất.”;
c) Đối với mỹ phẩm phải ghi thành phần bao gồm cả các chất phụ gia;
d) Đối với đồ gia dụng kim khí, đồ dùng được chế tạo từ một loại nguyên liệu chính quyết định giá trị sử dụng thì phải ghi tên thành phần nguyên liệu chính cùng với tên hàng hóa và không phải ghi thành phần và thành phần định lượng.
Thái An
Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/kiem-nghiem-vien-rau-cu-kera-phat-hien-chat-tao-ngot-sorbitol-khong-ghi-tren-nhan-san-pham-a454764.html