Nước Mỹ đã vượt xa phần còn lại của thế giới về tốc độ sản sinh triệu phú trong năm 2023, có thêm 600.000 triệu phú mới và chứng kiến giá trị tài sản tăng mạnh ở nhóm giàu nhất - nghiên cứu mới của công ty Capgemini cho thấy. Cùng với đó, số người siêu giàu trên toàn cầu cũng tăng mạnh, mở ra một cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm giành quyền quản lý tài sản cho tầng lớp này.
Theo báo cáo này trên, số triệu phú của Mỹ tăng 7,3% trong năm 2023, đạt 7,5 triệu người. Tổng tài sản của nhóm này tăng 7% so với năm 2022, đạt 26,1 nghìn tỷ USD.
Capgemini định nghĩa triệu phú là những người sở hữu tài sản có thể đầu tư đạt từ 1 triệu USD trở lên, không bao gồm bất động sản là nơi ở chính, các bộ sưu tập hay hàng tiêu dùng lâu bền.
Mặc lãi suất cao, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh vào cuối năm 2023, cộng thêm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu và kích cầu của Chính phủ liên bang là những nhân tố thúc đẩy cỗ máy sản sinh tài sản của nước này. Đặc biệt, xu hướng tăng mạnh mẽ gần đây của chứng khoán Mỹ một phần do cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), nên có thể coi AI là một động lực sản sinh tài sản của giới nhà giàu Mỹ.
Hãng tin CNBC dẫn báo cáo của Capgemini cho biết tốc độ gia tăng tài sản mạnh mẽ nhất được ghi nhận ở nhóm giàu nhất. Số người Mỹ có tài sản từ 30 triệu USD trở lên tăng 7,5% trong năm 2023, đạt 100.000 người. Tổng tài sản của nhóm này đạt 7,4 nghìn tỷ USD.
Trên phạm vi toàn cầu, số người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên chiếm 1% tổng số triệu phú nhưng chiếm 34% tổng tài sản của giới triệu phú. Điều này cho thấy mức độ tập trung tài sản ngày càng lớn ngay cả ở tầng lớp giàu.
Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là sự tăng trưởng bùng nổ của tài sản trong thập kỷ qua - ban đầu nhờ lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào, và gần đây hơn là chờ các chương trình kích cầu thời đại dịch Covid-19 và cơn sốt AI - có thể tiếp tục được hay không. Các cuộc xung đột trên toàn cầu, lịch bầu cử dày đặc của thế giới, biến động lãi suất, và rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế… đều có thể làm giảm tốc độ sản sinh của tài sản, theo ông Elias Ghanem - trưởng nghiên cứu toàn cầu của Viện Nghiên cứu dịch vụ tài chính Capgemini - nhận định.
“10 năm qua là một khoảng thời gian khác biệt. Bây giờ, thế giới có lạm phát, có nguy cơ suy thoái, có rủi ro địa chính trị và các cuộc bầu cử. Môi trường giờ hoàn toàn khác”, ông Ghanem nói.
Số triệu phú trên toàn cầu tăng 5,1% trong năm ngoái, đạt 22,8 triệu người - theo báo cáo của Capgemini. Tổng tài sản của các triệu phú trên toàn cầu đạt kỷ lục 86,8 nghìn tỷ USD.
Sau Bắc Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng số triệu phú mạnh thứ hai, với mức tăng được ghi nhận là 4,8%, tiếp theo là châu Âu với mức tăng 4%; Mỹ Latin tăng 2,7%; Trung Đông tăng 2,1%; và châu Phi giảm 0,1%.
Ông Ghanem nhấn mạnh rằng trong những năm trước đại dịch Covid-19, châu Á đã vượt qua Bắc Mỹ về số triệu phú và tốc độ tăng trưởng của nhóm này, nhưng vị trí dẫn đầu hiện lại thuộc về Mỹ.
Về hoạt động đầu tư, báo cáo cho thấy giới nhà giàu trên toàn cầu đang dịch chuyển tài sản của họ từ những kênh an toàn sang các tài sản có khả năng tăng trưởng mạnh hơn. Tỷ trọng nắm giữ tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong danh mục của giới triệu phú toàn cầu đã giảm từ mức cao 34% vào thời điểm đầu năm 2023 xuống còn 25% vào tháng 1 năm nay, phản ánh rằng các triệu phú đang dùng tiền mặt để đầu tư nhiều hơn.
Tỷ trọng của đầu tư trái phiếu trong danh mục của giới triệu phú toàn cầu tăng từ 15% lên 20%; của đầu tư bất động sản tăng từ 15% lên 19%. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư cổ phiếu tiếp tục giảm, còn 21%, mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Nhiều thị trường chứng khoán lớn của thế giới đã tăng điểm mạnh trong năm nay, như hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ tăng tương ứng 12% và 14% từ đầu năm, nhưng các nhà đầu tư giàu có dường như đã thận trọng hơn khi xu hướng tăng của thị trường tập trung vào một số ít cổ phiếu công nghệ.
Theo ông Ghanem, những kênh đầu tư thay thế - đặc biệt là cổ phần tư nhân và tín dụng tư nhân - có thể là những kênh hút vốn nhiều nhất từ các nhà đầu tư giàu có trong năm nay. 2/3 số triệu phụ có kế hoạch đầu tư thêm vào cổ phần tư nhân trong năm 2024 - nghiên cứu của Capgemini cho thấy.
Do số triệu phú và tổng lượng tài sản của họ tăng mạnh, cuộc chiến nhằm giành quyền quản lý gia sản của họ cũng ngày càng trở nên quyết liệt. Ông Ghanem cho biết chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ thuộc về những công ty biết cách phục vụ tốt nhất các khách hàng siêu giàu - những người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Capgemini nói những người siêu giàu sẽ là lực lượng khách hàng tăng trưởng nhanh nhất của các công ty quản lý gia sản (wealth management firm) và cũng là đối tượng khách hàng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các công ty này.
Tuy nhiên, những người siêu giàu cũng là những khách hàng khó thu hút và khó giữ chân nhất: tính bình quân, mỗi người siêu giàu có 7 quan hệ quản lý gia sản trong năm 2023, tăng lên từ con số 3 vào năm 2020. Hơn 3/4 số người siêu giàu trên thế giới có ý định chuyển công ty quản lý gia sản chính trong năm 2024.
Theo ông Ghanem, chiến lược quan trọng nhất đối với các công ty quản lý gia sản đang cố gắng thu hút khách hàng thuộc tầng lớp siêu giàu là hiểu rõ hơn về khách hàng. Ông nói rằng các công ty có thể biết tình hình tài chính của khách hàng, nhưng họ hiếm khi hiểu được động lực gia đình, hồ sơ rủi ro tâm lý, khuynh hướng đầu tư, lối sống hoặc sự đa dạng về địa lý của họ của khách hàng.
Khách hàng siêu giàu ngày càng có khuynh hướng lựa chọn các công ty quản lý gia sản dựa trên các dịch vụ giá trị gia tăng - chẳng hạn như kế hoạch kế nhiệm và thế hệ tiếp theo, thuế, dịch vụ trợ giúp và tiếp cận các giao dịch tư nhân - nên các công ty cần nghiên cứu sâu rộng hơn về đời sống tài chính và gia đình của họ.
Ông Ghanem cũng cho biết các công ty quản lý gia sản đang phải đương đầu với sự cạnh tranh dữ dội từ các văn phòng gia đình (family office) - cánh tay đầu tư tư nhân của các gia đình giàu có. Hơn một nửa số nhà đầu tư siêu giàu đang có kế hoạch thành lập văn phòng gia đình và họ cho rằng văn phòng gia đình mang lại sự riêng tư, cá nhân hóa và độc lập tốt hơn.
Theo ông Ghanem, thay vì cố gắng cạnh tranh với các văn phòng gia đình, các công ty quản lý gia sản cần trở thành đối tác tốt hơn của giới siêu giàu thông qua cung cấp đầy đủ các sản phẩm tài chính và phi tài chính. Các công ty có thể cung cấp dịch vụ tư vấn thực sự mang tính toàn cầu, ở nhiều quốc gia khác nhau, cũng như dịch vụ cho vay, tư vấn về lối sống, giải pháp bảo hiểm, giám sát danh mục đầu tư, bất động sản, tư vấn du lịch và chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục thế hệ tiếp theo… sẽ giành được sự tín nhiệm của giới nhà giàu.
“Họ cần phải tạo ra toàn bộ hệ sinh thái”, ông Ghanem nói.
Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/nong-cuoc-dua-quan-ly-gia-san-cho-gioi-sieu-giau-a452716.html