Tại Việt Nam, dừa là một thế mạnh, giá trị đứng thứ 4 trên thế giới. Diện tích dừa nước ta ước khoảng 195.000ha, sản lượng ước trên 2 triệu tấn mỗi năm. Trái dừa tươi và sản phẩm chế biến từ dừa được xuất khẩu sang 15 quốc gia trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi.
Việc nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng này. Bộ NN-PTNT tính toán, nếu làm tốt trong các tháng còn lại của năm nay, xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc sẽ thu về khoảng 300-400 triệu USD, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh, tất cả sản phẩm dừa tươi muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được phía hải quan quốc gia này phê duyệt. Ngoài ra, dừa tươi phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo như nghị định thư đã ký.
Trong nghị định thư khuyến khích các vùng trồng dừa thực hành theo hướng nông nghiệp tốt (GAP), chưa bắt buộc có chứng nhận GAP. Còn vấn đề truy xuất nguồn gốc rất quan trọng bởi liên quan đến giám sát sản phẩm, kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
“Khác với các mặt hàng nông sản khác, dừa tươi Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc”, ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, khi hàng đến cửa khẩu, phía hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra 100% lô hàng, trong đó có thể kiểm tra giấy tờ hoặc mở container hàng kiểm tra dịch hại. Nếu vi phạm quá nhiều thì tỷ lệ mở container hàng để kiểm tra sẽ tăng lên và ngược lại.
Nghị định thư quy định rất rõ các dịch hại, quy chuẩn an toàn thực phẩm. Thế nên, trong quá trình kiểm tra phát hiện các sinh vật gây hại, phát hiện cỏ, lá cây hoặc đất ở quả dừa thì cả lô hàng sẽ bị loại vì không đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc, ông Hiếu lưu ý.
Một số trường hợp vi phạm sẽ cho phép khử trùng lại. Còn nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị từ chối nhập hoặc tiêu hủy luôn.
Do đó, người dân, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp phải làm chuẩn chỉnh. Bởi khi vi phạm không những thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, uy tín hàng Việt. Vi phạm nhiều, mức kiểm tra sẽ tăng lên, thậm chí là ngừng nhập khẩu, ông Hiếu cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, dừa là một trong 6 cây trồng nằm trong đề án cây công nghiệp chủ lực được bộ phê duyệt. Sản xuất dừa không chỉ để xuất khẩu mà còn phục vụ tiêu thụ nội địa.
“Kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa rất đáng mừng. Năm 2022, xuất khẩu dừa và sản phẩm khác từ dừa đạt kim ngạch 902 triệu USD, năm 2023 là khoảng 1 tỷ USD”. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường quan trọng, làm tốt khâu xuất khẩu dừa sẽ đóng góp thêm vài trăm triệu USD vào kim ngạch ngành nông nghiệp trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu các địa phương phải nắm bắt chính xác thông tin rồi truyền tải tới người trồng, cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, rà soát lại các vùng trồng và cơ sở đóng gói xem đã đáp ứng đủ theo yêu cầu của nghị định thư hay chưa.
“Đây là yêu cầu trước mắt, buộc phải làm tốt để dừa tươi của nước ta sớm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông nói. Với 24 mã số vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói được hải quan Trung Quốc chọn kiểm tra đợt đầu tiên, chúng ta phấn đấu được phê duyệt khoảng 80% mã số trở lên.
Cũng theo ông Hoàng Trung, Trung Quốc dự kiến kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói từ ngày 11-12/9 để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu.
Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng bố trí đủ nguồn lực, điều kiện để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra sắp tới. Doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các hệ thống kiểm dịch thực vật tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất khẩu nhưng cũng phải đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát lô hàng xuất khẩu.
TH
Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/trung-quoc-can-4-ty-qua-dua-moi-nam-co-hoi-lon-cho-dua-viet-nam-a451976.html