Con cháu họ Lương ở Hương Sơn hướng về cụ tổ Lương Hiển

Mỗi năm đến dịp lễ Tết hay giỗ tổ, con cháu họ Lương tại Hương Sơn lại tề tựu đông đủ về nhà thờ Lương Hiển để hướng về cụ tổ.

Hương Sơn là một huyện trung du nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 55 km, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 70 km.

Thời Bắc thuộc đến thời nhà Tiền Lê, vùng này thuộc đất Hoan Châu, đến thời nhà Lý là hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An. Thời nhà Hậu Lê, ban đầu được đặt tên là huyện Đỗ Gia. Từ năm 1469, đời vua Lê Thánh Tông thì đổi thành huyện Hương Sơn, thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (sau đó là trấn Nghệ An).

Nằm bên dòng sông Ngàn Phố, Hương Sơn xưa cùng với các vùng đất khác của phủ Đức Quang (gồm Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Thanh Chương, Nghi Lộc) được xem là vùng đất hiếu học của xứ Nghệ. Trong thời kỳ phong kiến, Hương Sơn có khoảng 20 vị đỗ đại khoa (từ phó bảng, tiến sĩ, tạo sĩ trở lên).

luong hienNhà thờ Lương Hiển là một trong những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bên cạnh những dòng họ khoa bảng nổi tiếng, người Hương Sơn còn cần lao anh dũng với những danh tướng nổi tiếng như Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi, Văn Đình Dận, Cao Thắng, Lương Hiển,...

Người Hương Sơn đến nay vẫn lưu truyền câu ca dao: Hai bên Phố, Quát đại đồng/ Bên văn bên võ, em lấy chồng bên mô?

Phố là một phần của đất Phố Dương thuộc đời Tấn Vũ Đế xưa kia, sau phân đôi thành Phố Châu và Phúc Dương. Thị trấn Phố Châu hiện nay vẫn còn giữ được di tích đền Cả xây dựng từ mấy thế kỷ trước. Phía trong thị trấn, đền thờ tướng quân Lương Hiển – một vị tướng đã 2 lần được Vua Lê Hiển Tông ban sắc phong trong cùng một ngày.

Theo tư liệu lịch sử địa phương và gia phả dòng họ Lương tại huyện Hương Sơn, tướng Lương Hiển sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước – bản sắc đặc trưng của những con người xứ Nghệ. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tài năng về quân sự.

luong hien 1Nhà thờ đã được con cháu họ Lương ở Hương Sơn tu sửa khang trang, sạch đẹp.

Mặc dù trong chính sử không nhắc nhiều về nhân vật này, tuy nhiên, theo những tư liệu mà dòng họ Lương còn giữ lại, ông từng được ban thưởng lớn vì lập nhiều công trạng. Đặc biệt, trong ngày 26 tháng Chạp năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1784, Cảnh Hưng là niên hiệu của Vua Lê Hiển Tông. Vua chỉ sử dụng 1 niên hiệu này từ lúc lên ngôi năm 1740 đến khi qua đời vào năm 1786), ông đã nhận được có 2 đạo sắc phong thưởng vượt cấp.

Sắc dụ thứ nhất của Vua Lê Hiển Tông nêu đại ý: Đội trưởng Lương Hiển ở xã Lạc Phố, huyện Hương Sơn đã phụng sự Tự Vương lúc mới lên ngôi (Tự vương tức Chúa Trịnh Khải), chuẩn cho cùng với các quân có công phò tá. Nay thăng chức Tương phấn lực Tướng quân, hiệu Sư tráng sỹ Bá hộ truật (trật chánh lục phẩm).

Cũng trong ngày này, một sắc dụ thứ 2 được ban, đại ý: Bá Hộ Lương Hiển ở xã Lạc Phố, huyện Hương Sơn có công phụng sự Tự Vương lúc mới lên ngôi, đã được sắc phong một lần. Nay được ơn trên thăng chức một lần nữa là Tráng liệt Tướng quân, hiệu lệnh Tư uy kiến tráng sỹ Thiết nhị ứng Phó thiên hộ trung liệt (trật chánh ngũ phẩm).

luong hien 3

Theo nội dung 2 bản sắc phong, ông vốn là đội trưởng thuộc đội lính ưu binh (chức quan võ chỉ huy khoảng 50 người. Đội trưởng tại Kinh thành hàm chánh thất phẩm, đội trưởng các tỉnh hàm tòng thất phẩm). Đây là những người lính được triều đình Lê - Trịnh tuyển chọn kỹ càng ở đất Thanh - Nghệ nhằm phục vụ sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Sau khi dẹp xong họ Mạc, triều Lê - Trịnh tiếp tục tuyển và dùng lính Thanh – Nghệ làm quân Túc vệ để canh giữ phủ Chúa và cung Vua.

Năm Nhâm Dần (1782), sau khi Chúa Trịnh Sâm mất, Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận huy Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên làm Chúa. Con trưởng của Chúa Trịnh Sâm là Trịnh Khải (trước đó đã bị truất phế) được sự ủng hộ của ưu binh (hay còn gọi là quân tam phủ).

Quân tam phủ kéo vào phủ Chúa, giết Hoàng Đình Bảo, phế bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ để lập Trịnh Khải lên làm Chúa. Sau khi lên ngôi Chúa, Trịnh Khải trọng thưởng cho quân tam phủ, trong đó có tướng Lương Hiển.

luong hien 2Mỗi năm đến dịp lễ Tết hay giỗ tổ, con cháu họ Lương tại Hương Sơn lại tề tựu đông đủ về nhà thờ Lương Hiển. 

Sau này, con cháu ông không rõ ngày tháng năm mất của ông nên đã lấy ngày 20/5 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ. Tướng Lương Hiển cũng đứng đầu chi của dòng họ Lương và là cụ tổ một chi lớn của họ Lương tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Bên cạnh việc có công trong việc đưa Chúa Trịnh Khải lên ngôi, ở vị trí của mình, ông đã góp phần quan trọng khi tham gia đánh dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự xã hội thời bấy giờ.

Ngày 05/07/2011, nhà thờ danh tướng Lương Hiển đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là "Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh" (Quyết định Số 2209/QĐ-UBND).

Tân Nguyên

Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/con-chau-ho-luong-o-huong-son-huong-ve-cu-to-luong-hien-a448345.html