Năm 1993 đình làng Thuận An được đón nhận di tích cấp Quốc Gia. Công nhận cho những đóng góp từ ngày xây dựng đình thế kỷ 14.
Cụ thể nhất là những hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa sớm nhất của Thái Bình cũng như cả nước. Năm 1927 chi hội Thanh Niên cách mạng đồng chí hội đã có 22 người. Năm 1929 thành lập chi bộ Đảng gồm 13 người. Đến ngày thành lập Đảng chính thức 3/2/1930 chi bộ đã lên đến 40 người.
Đình tọa lạc tại trung tâm của làng trước cửa là con sông nhỏ uốn lượn. Đặc trưng của đồng bằng bắc bộ là “ Cây đa, bến nước, sân đình” là nơi thờ Thành Hoàng làng, cùng với ban thờ Bác Hồ và Anh Hùng Liệt sỹ. Chính giữa là bức hoành phi “Thuận Đức Gỉa Xương” được Vua ban mỹ tự ý nghĩa là “Thuận theo đức độ thì được hưng thịnh”. Đặc biệt đình làng còn lưu giữ 10 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến.
Tương truyền nơi đây Tướng quân Nguyễn Trích thao luyện quân sĩ chống quân Minh. Vua Lê Lợi đã về tổng duyệt úy lạo quân sĩ, dân làng Thuận An đã làm nhà long thất đón Vua.
Thuận An có tên nôm là làng Vều. Theo cuốn lịch sử đảng bộ Vũ Thư Và lịch sử đảng bộ xã Việt thuận thì khu vực Thuận An là miền đất cổ lâu đời cùng dải đất từ ngã ba Tuần Vường chạy xuống. Khi thời Lý, Trần đê điều được đắp hoàn chỉnh thì những vùng đất phủ Kiến Xương cũ Tỉnh Thái bình ngày nay trong đó có đất làng Vều trở lên trù phù hội tụ nhiều lớp cư dân theo từng thời kỳ: trước tiên là cư dân chài lưới dọc từ cửa biển(vào thế kỷ 14,15 cửa biển vào sâu đến cống Kem dưới đò Mộ hiện nay) theo sông Hồng về ngụ cư, sau là cư dân vùng cao Phú Thọ, Bạch Hạc xuống khai khẩn vùng đất màu mỡ ven sông, nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào, và đặc biệt thời Trần theo phả chí họ Hồ thì làng Vều được hình thành khoảng 600 năm trước khi lớp người di cư từ miền trung là Thanh Hóa, Nghệ An ra.
Còn một lớp người tự do khi bất mãn với triều đình hoặc có tội với chính quyền phong kiến cũng dạt về. Thời đó chưa có cầu, phà đi lại khó khăn Thái Bình như một hòn đảo, là nơi ẩn dật của nhiều lớp người. Họ là những người tài ba, có những người học hành chữ nghĩa uyên thâm mang những tư tưởng lớn.
( công ty Thuận An được lấy theo tên làng)
Chữ Vều theo gia phả các họ và truyền thuyết các cụ truyền lại được mang theo Từ làng Xuân Miêu Nghệ An cũng gọi làng Vều. Chữ Thuận An cũng được ghép bởi các cụ ra từ “Tiền cư Thuận Hóa, hậu ngụ nghệ An”. Cũng có thuyết nói rằng từ miền trung ra khi cập thuyền vào bến Vều đoạn đê sông Hồng lồi (vều) ra khúc khuỷu một đoạn nên làng được gọi tên làng Vều. Vào thế kỷ 19 đoạn đê lồi ra còn là bến đò gọi là bến Vều. Khi đó chưa có đê quai nên sông hồng còn chảy theo đê chính hiện tại lên đến chùa Keo bên ngoài đê là những bãi bồi trù phú.
Đình là nơi chứng kiến bao sự kiện bi hùng của làng và khu vực. Những năm sau năm 1945 vùng Thuận An là nơi giao tranh ác liệt giữa bộ đội chủ lực, dân quân du kích của ta và quân Pháp, tinh thần yêu nước sục sôi trong nhân dân: “Ngày 31/11/1948 trong trận càn đẫm máu của quân pháp. Chúng bắn chết 6 người tại làng Vều 3 bộ đội chủ lực và một số người các làng Cổ Việt, đồng Đáy, chợ Mét… Đình làng là nơi tập kết các anh và bà con về và tiễn đưa các anh về nơi vĩnh hằng. Không khí đau thương bao trùm ngôi đình làng, nhưng cũng dâng nên tinh thần yêu nước trong nhân dân. Trận bom ngày 22/12/1953 Pháp cho 4 máy bay thả bom Napan xuống làm 16 người làng Thuận An chết hầu hết là phụ nữ trẻ em. Bà Nguyễn thị Nhiễm một thương nhân trong làng lúc đó buôn vải đã tặng toàn bộ vải bó xác cho những người thiệt mạng. Trong khúc bi tráng của làng Vều có sự ấm áp tình người. Hiện nay dân làng vẫn tổ chức giỗ trận vào ngày đó”.
Qua một vài tư liệu trên chúng ta được thấy một làng Vều, làng Thuận An đẹp lung linh huyền thoại. Với rất nhiều giá trị lịch sử đan xen kỳ bí. Ngày nay tại di tích đã có nhiều thay đổi. đường bê tông sạch sẽ chạy vòng quanh, con sông trước cửa Đình đã được xây kè thẳng tắp. Cây bàng cổ thụ ngót 100 tuổi vẫn xanh tốt cùng với ngôi Đình trầm mặc chứng kiến mọi đổi thay của dân làng. Chào đón tất cả mọi hoạt động của làng từ người đi xa, về gần chuyện buồn,vui. Tất cả đều báo cáo Thành Hoàng làng như một nếp văn hóa gần gũi giản dị mà linh thiêng. Như một nét độc đáo của làng quê mà ai đi xa cũng đều muốn trở về ngồi dưới mái đình, dưới gốc bàng như ngày còn thơ bé.
Hồ sỹ Tiếp Hà nội tháng 9/2022
Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/lang-veu-thuan-an-co-mot-vung-que-nhu-the-a446467.html