Làng gốm Chu Đậu và những thăng trầm trong dòng chảy lịch sử
Chu Đậu là một trong những cái nôi nghề gốm Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (xưa là huyện Thanh Liêm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương). Theo tiếng Hán, Chu là thuyền, Đậu là bến, Chu Đậu là thuyền đậu bến.
Dù chỉ là một làng quê nhỏ, nằm nép mình bên tả ngạn sông Thái Bình nhưng Chu Đậu đã trở thành mảnh đất ấp ủ một mỏ vàng quý giá, đó là lưu truyền về một dòng gốm bác học đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất trên thế giới thời bấy giờ.
Gốm Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV - XVI. Nhưng sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bị thất truyền, bởi do cuộc chiến giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh-Mạc diễn ra rất ác liệt ở châu Nam Sách, trong đó có Chu Đậu bị tà phá nặng nề, dân tình phải chạy tán loạn khắp nơi.
Nói đến gốm Chu Đậu không thể không nhắc đến những dòng họ danh giá nhất trong làng gốm, đó là họ Đặng, họ Bùi, họ Vương..., với những bậc danh tài như Đặng Huyền Thông, Đặng Hữu, Đặng Tính, trong đó công sức Đặng Huyền Thông được ghi trên nhiều văn bia còn lại đến ngày nay. Về họ Bùi có bà Bùi Thị Hý, một nghệ nhân nổi tiếng, có tác phẩm được lưu giữ ở bảo tàng nước ngoài.
Phương pháp chế tạo gốm Chu Đậu cổ đã đạt trình độ rất cao, chuốt dáng, tạo hình bằng bàn xoay, dùng khuôn, lắp ghép, kế thừa nét thanh thoát của gốm thời Lý và vóc dáng chắc khỏe của gốm thời Trần. Khác với nét gốm Bát tràng, vốn dĩ cũng xuất phát từ một chi của gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng men trắng, hoa xanh, họa tiết có sự giao thoa của các nền văn hóa Ðông – Tây. Còn gốm Chu Ðậu là gốm đạo, gốm bác học, men trắng, hoa lam, hoa văn, họa tiết thuần Việt in đậm dấu ấn trên mình những giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo.
Bí quyết để có những sản phẩm gốm đạt đến sự tinh xảo của người dân nơi đây chính là kỹ thuật vẽ dưới men rồi mang nung trong lò sau đó mới phủ men tam thái và mang nung lại một lần nữa. Những sản phẩm gốm của làng Chu Đậu từ xa xưa dù đã bị chôn vùi dưới lòng đất hay chìm dưới đáy biển qua hàng thế kỷ vẫn giữ được nguyên vẹn cả màu sắc và kiểu dáng. Vì vậy không quá lời khi giới chuyên môn đánh giá về gốm Chu Đậu là “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình Tỳ Bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.
Sự hồi sinh của của dòng gốm nức tiếng một thời
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 400 năm thất truyền. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Công ty CP Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu.
Khát khao được viết tiếp trang sử đầy tự hào, ước muốn đưa gốm Chu Đậu với hơn 400 năm lịch sử và nét riêng độc đáo đi tiếp những bước dài và xa, Tập đoàn BRG đang gìn giữ, phát triển gốm Chu Đậu với tất cả tâm huyết và tình yêu dân tộc, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo khách hàng cả trong nước và quốc tế, để gốm Chu Đậu - đại diện cho một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, luôn mở rộng cánh cửa hợp tác hội nhập quốc tế.
Gốm Chu Đậu tự hào đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam" và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm Châu".
Một bước ngoặt quan trọng của dòng gốm Chu Đậu là vào cuối năm 2019, làng gốm Chu Đậu đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề của tỉnh Hải Dương. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, làng gốm Chu Đậu đón hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Nhờ đó, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập khá cao trong khu vực… Các dòng sản phẩm chính của gốm Chu Đậu ngày càng trở nên phong phú bao gồm đồ thờ cúng, sản phẩm quà tặng cao cấp, sản phẩm gốm mỹ nghệ trưng bày nội thất và xuất khẩu, sản phẩm gốm sứ gia dụng...
Đặc biệt, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá lên tới hàng triệu đô-la. Ở đâu gốm Chu Đậu cũng làm mê mẩn lòng người bởi hình dáng, lớp men và hoa văn độc đáo.
Với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hồi sinh gốm Chu Đậu của các nhà khảo cổ học, các nhà khoa học, những nghệ nhân họa sỹ, hy vọng những sản phẩm gốm Chu Đậu ngày nay sẽ tìm lại một thời vàng son đã qua cho làng gốm Chu Đậu để không ai, không điều gì nơi đây bị quên lãng.
Theo Sở hữu trí tuệ
Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/gom-chu-dau-ban-sac-viet-toa-sang-nam-chau-a437370.html