Ngày 20/7, tại Hội trường Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp TP (CSED, số 156 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) diễn ra buổi Hội thảo về quản trị tài sản trí tuệ với chủ đề “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số”.
Hội thảo do Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM (IPA HCMC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp TP.HCM (CSED) đồng tổ chức hội thảo thứ tư về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, ông Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch danh dự Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, bà Ngô Phương Trà - Th.S Luật, Thành viên cấp độ Giám đốc - CLB Quản trị Tài sản trí tuệ, ông Quang Bạch - Cố vấn truyền thông và thương hiệu tại Công ty TNHH Hè Studio, Cố vấn sáng tạo tại Công ty TNHH Gazefi,… cùng hội viên các sở, ban, ngành và doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu đi đôi với xây dựng nhãn hiệu
Tại Hội thảo, bà Ngô Phương Trà - Th.S Luật, Thành viên cấp độ Giám đốc - CLB Quản trị Tài sản trí tuệ chia sẻ cho các doanh nghiệp, hội viên về cách xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 dưới góc nhìn của quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, có những lưu ý đối với doanh nghiệp về thương hiệu trong thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử.
Hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều đang xây dựng một thương hiệu riêng, đó là cả một quy trình thiết kế và thi công, bao gồm chuỗi các công việc khác nhau, để thương hiệu có chỗ đứng trong tâm trí khách hàng.
Tuy nhiên, thương hiệu là thuật ngữ pháp lý không được pháp luật bảo hộ. Nó chỉ được nhận diện thông qua các dấu hiệu gán cùng như tên gọi, hình ảnh hoặc sự kết hợp của các yếu tố này. Dấu hiệu này có thể được pháp luật bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu - một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
“Điều kiện để một nhãn hiệu doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ là cần xác lập quyền trên cơ sở văn bằng bảo hộ/công nhận bảo hộ, thông qua thủ tục đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính giới hạn lãnh thổ (không xác lập quyền một lần trên toàn thế giới - PV), do đó các doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ”, bà Phương Trà cho biết.
Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, đặc biệt khi dữ liệu lớn được hình thành, biên giới quốc gia về thông tin không còn nữa dẫn đến nhiều rủi ro. Trong đó, thương hiệu có khả năng cao bị "tổn thương" hoặc xâm phạm nếu không được bảo vệ một cách thích hợp.
Ngoài ra, mạng xã hội ngày nay phát triển mạnh mẽ, thông tin được lan truyền nhanh chóng, những cảm nhận/hình ảnh tốt đẹp, hay “tiếng xấu” của thương hiệu cũng nhanh chóng được lan tỏa đến công chúng. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần cẩn trọng trong quá trình xây dựng nhãn hiệu, cũng như thương hiệu của mình.
“Xây dựng thương hiệu không thể tách rời đăng ký nhãn hiệu. Việc đăng ký xác lập nhãn hiệu phải được thực hiện nhanh chóng nhất có thể và đầy đủ. Nguyên tắc đầu tiên là những đơn nộp trước sẽ được ưu tiên xử lý trước. Nếu như nộp sau sẽ mất đi quyền được xác lập nhãn hiệu và không được pháp luật bảo hộ”, bà Phương Trà nói.
Tạo sức hút mạnh cho thương hiệu
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Quang Bạch, để thương hiệu đi sâu vào tâm trí của khách hàng cần nhiều yếu tố có sức hút mạnh mẽ, cốt lõi là khơi dậy cảm xúc và duy trì sự chú ý của khách hàng.
Khi khách hàng chọn một thương hiệu để mua sản phẩm thường đặt niềm tin cao ở nhãn hàng và giá trị mà họ nhận được. Do đó, mỗi nhãn hàng cần tập trung vào thế mạnh nổi bật nhất của thương hiệu, đi sâu sắc vào mong muốn của khách hàng và hiểu rõ được thế mạnh nổi bật của đối thủ.
Việc xác định rõ thế mạnh và ưu tiên tập trung xây dựng thương hiệu quanh thế mạnh đó sẽ giúp doanh nghiệp tìm được vùng thắng, vùng thua hay những rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, các thương hiệu cần chạm đến cảm xúc của khách hàng, các lợi ích về chức năng của sản phẩm dù tốt cũng không đủ để tạo nên sức hút mạnh mẽ.
"Giá trị tinh thần, giá trị sống là một trong những yếu tố giúp thương hiệu đi sâu vào tâm trí khách hàng. Đề cao những giá trị tốt đẹp và gắn liền với khách hàng sẽ tạo thêm giá trị cho thương hiệu. Đồng thời, việc đổi mới và sáng tạo cũng là hình thức tăng thêm sức mạnh của thương hiệu, bằng các giải pháp trong sản phẩm dịch vụ, truyền thông", ông Bạch nhấn mạnh.
Theo Sở hữu trí tuệ
Link nội dung: https://saodoanhnhan.vn/doanh-nghiep-muon-xay-dung-thuong-hieu-can-dang-ky-nhan-hieu-a435538.html